Hiệu quả thanh toán biên mậu
LSO-Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) luôn thực hiện hiệu quả thanh toán biên mậu, góp phần quan trọng trong phát triển thương mại và thực thi chức năng quản lý của nhà nước về tiền tệ trên địa bàn các tỉnh biên giới Lạng Sơn.
Khách hàng giao dịch ở Agribank Lạng Sơn |
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Lạng Sơn, Agribank Lạng Sơn luôn chiếm thị phần cao nhất trong mảng dịch vụ này trên địa bàn, trong đó chủ yếu là thanh toán biên mậu với thị trường Trung Quốc. Những năm gần đây, doanh số thanh toán giữ nhịp tăng trưởng ổn định, thu dịch vụ cũng tăng cao so với thời điểm trước, dù hiện tại, trên địa bàn đã có nhiều ngân hàng thương mại mới thành lập, áp lực cạnh tranh cao.
Từ đầu năm 2017 đến tháng 9/2017, tổng giá trị thanh toán đạt khoảng 20.466 tỷ đồng, tăng 5.268 tỷ đồng, tương đương 34,6% cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thanh toán tiền hàng xuất khẩu đạt 19.215 tỷ đồng, thanh toán hàng nhập khẩu đạt 1.251 tỷ đồng. Và tiền thu phí dịch vụ đạt 10,7 tỷ đồng, tăng 50,7%. Trong đó, doanh số thanh toán và phí dịch vụ phát sinh chủ yếu qua thị trường Trung Quốc.
Bà Lộc Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Kinh doanh ngoại tệ và Thanh toán quốc tế, Agribank Lạng Sơn cho biết: Hiện tại, Agribank Lạng Sơn đã ký kết được thỏa thuận thanh toán biên mậu với 6 ngân hàng thương mại của Trung Quốc, có chính sách khách hàng hợp lý, trong đó có cả nhóm khách hàng là các đại lý thanh toán biên mậu và các ngân hàng đối tác phía Trung Quốc. Qua đó, Agribank Lạng Sơn đã thu hút được lượng lớn khách hàng chuyển tiền xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các đơn vị thực hiện nghiệp vụ thanh toán biên mậu của chi nhánh.
Tăng trưởng về doanh số thanh toán và thu dịch vụ của Agribank Lạng Sơn đã phần nào phản ánh sự khởi sắc của thương mại biên giới, đặc biệt là với thị trường rộng lớn và quan trọng hàng đầu như Trung Quốc. Điều này cũng cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn đã rất nhanh nhạy khi kịp thời bắt kịp nhu cầu của thị trường, cũng là bổ sung một mảng dịch vụ quan trọng để tăng doanh số hằng năm.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán biên mậu không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại biên giới của tỉnh mà còn góp phần thực thi chức năng quản lý của nhà nước về tiền tệ trên địa bàn tỉnh biên giới như Lạng Sơn. Cụ thể là thanh toán qua biên giới hạn chế sự thao túng của tư nhân trên thị trường tiền tệ khu vực biên giới. Việc thanh toán qua ngân hàng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý xuất, nhập khẩu hàng hoá, hạn chế các trường hợp lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại hai nước Việt – Trung.
Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, Agribank Lạng Sơn đã thực hiện hiệu quả thanh toán biên mậu qua mạng Internet. Với hệ thống này, các giao dịch không còn phải thực hiện theo hướng thủ công, chứng từ trao tay mà thay vào đó sẽ được truyền qua mạng Internet và hạch toán trực tiếp vào hệ thống IPCAS. Từ đó giảm được thời gian, chi phí, nhân lực, phát huy được tối đa hiệu quả thanh toán cho chi nhánh. Đây là sản phẩm mang tính chất đột phá của Agribank về nghiệp vụ thanh toán biên mậu, giảm thiểu được nhiều hạn chế của các phương thức thanh toán trước đây.
Bà Trương Thu Hòa, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Lạng Sơn cho biết: Agribank Lạng Sơn là ngân hàng tham gia vào mảng dịch vụ thanh toán biên mậu sớm trên địa bàn, qua đó, chi nhánh đã có bề dày kinh nghiệm để áp dụng các hình thức thanh toán phong phú, thủ tục đơn giản, an toàn. Đến nay, Agribank Lạng Sơn đã tạo được uy tín đối với khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán biên mậu, đáp ứng được nhu cầu thanh toán của khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh so với các ngân hàng thương mại khác.
ANH DŨNG
Ý kiến ()