Hiệu quả tầm soát, chẩn đoán bệnh trước sinh và sơ sinh
LSO-Tháng hành động quốc gia về dân số (từ ngày 1 đến 31/12) và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 được triển khai với chủ đề: “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số”. Đây là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh...
Tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng |
Theo đánh giá, mỗi thai phụ được sàng lọc trước sinh (SLTS) kết hợp với sàng lọc sơ sinh (SLSS) sẽ loại bỏ được 80 – 95% các trường hợp thai nhi bất thường, trẻ sinh ra tránh được nguy cơ mắc các bệnh lý nói trên.
Năm 2013, được sự quan tâm đầu tư của Tổng cục Dân số – KHHGĐ, Chi cục Dân số -KHHGĐ tỉnh đã triển khai đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh” tại 7 xã của 3 huyện. Đến nay, đề án đã được triển khai trong toàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức cũng như giúp phụ nữ mang thai tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ SLTS và SLSS. Đối tượng thụ hưởng là phụ nữ, trẻ em thuộc dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, cận nghèo và người có công.
Để thực hiện tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh có hiệu quả, chi cục đã chỉ đạo trung tâm dân số – KHHGĐ các huyện tập trung truyền thông, tư vấn, giải đáp thắc mắc thường gặp về SLTS và SLSS nhằm nâng cao hiểu biết, khuyến khích các đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tích cực tham gia sàng lọc khi mang thai và khi sinh con. Trong năm 2017, đã thực hiện được 1.203 buổi truyền thông trực tiếp về SLTS và SLSS tại các hội nghị, trạm y tế các xã với hơn 35 nghìn lượt người nghe, cấp phát gần 4.000 tờ rơi, truyền thông tại gia đình được 5.677 hộ gia đình. Nhờ làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền nên khi hiểu được lợi ích của việc lấy máu xét nghiệm SLSS thì các gia đình đều ủng hộ và mong muốn được tham gia.
Chi cục phối hợp với các đơn vị triển khai mô hình cử 5 bác sỹ đi đào tạo kỹ thuật siêu âm SLTS. Tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn những kiến thức cơ bản về tầm quan trọng của việc SLTS và SLSS; những điều cần biết về hội chứng Down, suy giáp trạng bẩm sinh và bệnh thiếu men G6PD của trẻ… Đến nay, 100% cộng tác viên, cán bộ chuyên trách dân số được tập huấn các kỹ năng tuyên truyền, vận động, đào tạo về chẩn đoán trước sinh.
Chị Lê Thị Ái, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Lạc (Hữu Lũng) cho biết: Đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn bản thường xuyên tuyên truyền tới người dân về kiến thức SLTS và SLSS nên đã góp phần thay đổi tư duy nhận thức của người dân. Đến nay, các bà mẹ mang thai và những người chuẩn bị mang thai đã chủ động đến khám, xin được tư vấn và thực hiện quy trình sàng lọc.
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục dân số – KHHGĐ cho rằng: Hiện nay, số lượng sản phụ chủ động đi SLTS và sơ sinh quá thấp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các bà mẹ đi khám thai đều ở giai đoạn muộn, khi thai đã ngoài 28 tuần tuổi hoặc đã có biểu hiện nghi ngờ khá rõ nên hiệu quả của việc can thiệp SLTS không cao và rất khó giải quyết. Nhiều sản phụ đi khám thai cũng chỉ với mục đích biết con trai hay con gái.
Để thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh đạt hiệu quả cao cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp, ngành, nhất là người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về công tác này. Đặc biệt, cần tăng cường xã hội hóa dịch vụ này để nhiều trẻ được sàng lọc hơn, từ đó có thể phát hiện sớm bệnh và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ nhằm nâng cao chất lượng dân số.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()