Hiệu quả sử dụng kỹ thuật nẹp vít qua cuống
LSO-Trong tháng 11/2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lạng Sơn vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu triển khai ứng dụng kỹ thuật bắt nẹp vít qua cuống (NVQC) để điều trị gãy xương cột sống lưng - thắt lưng” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK). Với giá trị khoa học và thực tiễn, đề tài được hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại xuất sắc.
Trưởng Khoa Ngoại chấn thương – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật sống lưng bằng kỹ thuật nẹp vít qua cuống |
Chấn thương cột sống (CTCS) là loại thương tổn nặng trong cấp cứu ngoại khoa. Tuy chỉ chiếm 3 – 5% tổng số chấn thương chung, nhưng thường kèm theo thương tổn tuỷ sống, bệnh cảnh lâm sàng phức tạp và hậu quả nặng nề, thậm chí đe doạ tính mạng. Trong CTCS, CTCS cổ thấp và lưng – thắt lưng gặp nhiều hơn cả, chiếm tỷ lệ 75%. Ở Lạng Sơn, CTCS chủ yếu xuất hiện trong trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Khi BVĐK tỉnh chưa áp dụng kỹ thuật NVQC, hầu hết bệnh nhân đều phải chuyển lên tuyến trên để phẫu thuật và điều trị. Kỹ thuật này điều trị cho người bệnh bị gãy cột sống tại BVĐK tỉnh, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên (bệnh nhân phải chi từ 50 – 80 triệu đồng/ca).
Bác sỹ Nguyễn Văn Quang, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương – Bỏng, BVĐK tỉnh, đồng chủ nhiệm đề tài cho biết: Trước thực tế tình hình bệnh nhân CTCS lưng – thắt lưng ở tỉnh và những áp lực về chi phí cho gia đình bệnh nhân khi phải phẫu thuật, điều trị ở các bệnh viện tuyến trên, từ tháng 9/2014, chúng tôi thực hiện đề tài “Nghiên cứu triển khai ứng dụng kỹ thuật bắt NVQC để điều trị gãy xương cột sống lưng – thắt lưng”.
Kỹ thuật bắt NVQC là phương pháp điều trị có nhiều ưu thế hơn hẳn so với các phương pháp khác khi điều trị CTCS, bởi nó đảm bảo được 3 yêu cầu là nắn chỉnh các biến dạng do xương gẫy gây ra; giải phóng chèn ép tủy sống; cố định và làm vững cột sống, tạo điều kiện cho bệnh nhân tập phục hồi chức năng sớm, giảm các biến chứng do nằm lâu kéo dài. Về chi phí, bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này tại BVĐK tỉnh chỉ bằng 1/3 so với các bệnh viện tuyến trên.
Trong quá trình thực hiện đề tài, có 25 bệnh nhân bị CTCS được ứng dụng kỹ thuật sử dụng NVQC khi phẫu thuật để nghiên cứu. Từ 2016 đến nay, kỹ thuật này được áp dụng thường quy tại đơn vị. Riêng năm 2016, trên 30 bệnh nhân khi CTCS nhập viện cấp cứu được phẫu thuật áp dụng kỹ thuật NVQC. Kết quả, 100% ca được nắn chỉnh hết di lệch, không có di lệch thứ phát, liền sẹo vết mổ tốt; 96% phục hồi thần kinh sớm và trở lại lao động, sinh hoạt sau mổ trong thời gian từ 8 – 10 tuần; không có bệnh nhân nào để lại di chứng. Hầu hết các bệnh nhân hài lòng với phương pháp mới, bởi phục hồi nhanh, gia đình giảm áp lực chăm sóc và chi phí. Trường hợp bệnh nhân Hầu Văn Tú, thôn Tiến Hậu, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn là một ví dụ. Ngày 12/10/2016, ông Tú đi rừng, trèo cây và bị ngã gây vỡ – lún cột sống phải nhập viện. Ngày 16/10, BVĐK tỉnh áp dụng kỹ thuật NVQC khi phẫu thuật chấn thương cho ông. Đến nay, sau gần 2 tháng phẫu thuật, ông Tú đã đi lại được. Ông cho biết: Mừng nhất là tôi đã khỏe mạnh trở lại. Hơn nữa khi tôi điều trị ở bệnh viện tỉnh, người thân trong gia đình có thể thay nhau vào chăm sóc, nếu xuống Hà Nội thì vừa phức tạp lại vừa tốn kém. Điều trị ở bệnh viện tỉnh, tôi được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí phẫu thuật, nằm viện, gia đình tôi chỉ chi hết khoảng 6 triệu đồng cho ăn uống, đi lại trong 20 ngày tôi nằm viện.
Bác sỹ Nguyễn Văn Quang cho biết thêm: Hiện tại, bệnh viện đã đào tạo được 2 kíp phẫu thuật thành thạo kỹ thuật NVQC. Thời gian tới, Khoa Ngoại Chấn thương – Bỏng sẽ tiếp tục triển khai kỹ thuật này để phục vụ bệnh nhân. Để thực hiện kỹ thuật này, bệnh viện cần được trang bị thêm máy cộng hưởng từ để triển khai phẫu thuật các bệnh lý về cột sống như: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống. Khoa cần được trang bị thêm các dụng cụ tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật để điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.
HÀ MY
Ý kiến ()