Hiệu quả qua 5 năm thực hiện Chương trình 135
LSO-Giai đoạn 2011 - 2015 với tổng nguồn vốn 649,648 tỷ đồng từ Chương trình 135, tỉnh ta đã tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng cho 111 xã, 180 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) ... Từ đó diện mạo nông thôn trên địa bàn từng bước đổi thay, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện.
Hỗ trợ giống cây trồng cho nông dân xã Tân Liên (Cao Lộc) từ nguồn vốn Chương trình 135 |
Trong 5 năm qua, Chương trình 135 đã giúp các xã ĐBKK trên địa bàn tỉnh nhận được hơn 117 tỷ đồng hỗ trợ khai hoang, phát triển sản xuất cho 97.830 lượt hộ dân. Từ nguồn vốn này, các hộ dân đã được hỗ trợ mua hơn 4.000 con lợn giống, 16.000 con gia cầm, 80 tấn giống cây lương thực, 525.000 cây ăn quả, 1.356.834 cây công nghiệp, hơn 9.000 tấn phân bón các loại và 960 máy nông cụ phục vụ sản xuất.
Bên cạnh các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các cơ sở còn biết lồng ghép, huy động nguồn lực được hơn 174 tỷ đồng nhằm thực hiện đồng bộ các nội dung của chương trình 135 như: Nghị quyết 30a, chương trình nước sạch, kiên cố hóa kênh mương, kiên cố hóa trường lớp học để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó giúp các hộ nghèo có điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.
Đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh đã đầu tư 517,083 tỷ đồng xây dựng 889 công trình ở các xã ĐBKK; trong đó: 558 công trình giao thông nông thôn, 40 công trình thủy lợi, 76 công trình điện, nhà sinh họat cộng đồng và 186 công trình trường học… Các công trình hoàn thành được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đã làm tăng thêm năng lực kết cấu hạ tầng, diện tích tưới, phòng học, nhà công vụ, nhà ở cho giáo viên, nhà bán trú cho học sinh, điện và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc vào đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước.
Cùng với các dự án hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Chương trình 135 còn đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng. Hằng năm, tỉnh chỉ đạo các huyện, cơ sở tăng cường phổ cập kiến thức, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Toàn tỉnh đã tổ chức 151 lớp tập huấn cho 7.550 lượt cán bộ xã, thôn, bản, kinh phí 4.488 triệu đồng.
Ông Triệu Văn Lạng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh: Đạt được kết quả trên là do Chương trình 135 tại tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ, phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở, sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể và của người dân. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình 135 ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng; bước đầu khơi dậy phong trào phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBKK, khai thác tối đa các nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, điện, chợ, trung tâm cụm xã, hỗ trợ khai hoang, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đã làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, thu nhập trong nhân dân ngày càng được nâng lên, đời sống nhân dân vùng 135 từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 28,34% năm 2010 đã giảm 14,9% vào năm 2014; trong đó, vùng nông thôn, miền núi giảm từ 31,38% năm 2010 xuống 18,69% năm 2015.
Chương trình 135 là một chính sách lớn và toàn diện tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội các xã ĐBKK của tỉnh. Tuy nhiên, do địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có những điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng xuống cấp nhanh, nguy cơ tái nghèo và tiềm ẩn di cư tự do còn cao. Từ tình hình đó, Lạng Sơn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét bố trí nguồn vốn thực hiện chương trình, tiếp tục đầu tư, hỗ trợ phát triển các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK những năm tiếp theo; tạo điều kiện giúp người dân phấn đấu vươn lên, ổn định cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()