LSO-Những năm qua, nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo động lực cho kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững. Nông dân xã vùng III Hoa Thám ( Bình Gia) chăm sóc rừng keo thâm canh năm thứ 3 - Ảnh: Duy HàĐến xã Chi Lăng thời điểm này, mọi người sẽ phải ấn tượng về màu xanh trải dài của những cánh rừng sa mộc và rừng bạch đàn. Theo báo cáo của UBND xã, với tổng số 1.167 ha đất lâm nghiệp của xã, trong đó rừng phòng hộ chiếm trên 400 ha, còn lại gần 750 ha là rừng sản xuất. Hiện nay, tỷ lệ phủ xanh đất trống đồi núi trọc của toàn xã đã đạt trên 50%, người dân đã ý thức trong việc bảo vệ, chăm sóc phát triển rừng. Bà Nông Thị May ở thôn Đâư Linh cho biết, khoảng 5 năm trở về trước, gia đình bà thường đốt nương...
LSO-Những năm qua, nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo động lực cho kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững.
|
Nông dân xã vùng III Hoa Thám ( Bình Gia) chăm sóc rừng keo thâm canh năm thứ 3 – Ảnh: Duy Hà |
Đến xã Chi Lăng thời điểm này, mọi người sẽ phải ấn tượng về màu xanh trải dài của những cánh rừng sa mộc và rừng bạch đàn. Theo báo cáo của UBND xã, với tổng số 1.167 ha đất lâm nghiệp của xã, trong đó rừng phòng hộ chiếm trên 400 ha, còn lại gần 750 ha là rừng sản xuất. Hiện nay, tỷ lệ phủ xanh đất trống đồi núi trọc của toàn xã đã đạt trên 50%, người dân đã ý thức trong việc bảo vệ, chăm sóc phát triển rừng. Bà Nông Thị May ở thôn Đâư Linh cho biết, khoảng 5 năm trở về trước, gia đình bà thường đốt nương rẫy để trồng sắn, thạch đen, vài năm trở lại đây, được sự quan tâm giúp đỡ, vận động của các cấp chính quyền, gia đình bà tiến hành trồng rừng bạch đàn, sa mộc, đến nay cũng đã cho thu hoạch một phần, gia đình rất phấn khởi.
Trước những năm 2005, nói đến công tác phát triển rừng, hầu hết người dân trên địa bàn xã còn rất thờ ơ. Một phần do nhận thức người dân còn hạn chế; một phần ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, việc trồng, chăm sóc và phát triển rừng của xã chưa được chú trọng. Thường xuyên xảy ra tình trạng cháy rừng, tỷ lệ cây sống sót sau trồng cũng chỉ đạt khoảng 30%. Song, nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, trong tuyên truyền, vận động người dân ở các thôn bản tham gia trồng rừng; hàng năm tổ chức trên chục cuộc hội nghị tuyên truyền, tập huấn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng, xây dựng thực hiện quy ước bảo vệ rừng, vận động các hộ gia đình thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng… nên nhận thức người dân đã có nhiều chuyển biến. Đến nay, gần 100% hộ dân trong xã đã được khoán đất, nhận rừng để khoanh nuôi bảo vệ, nhiều hộ dân cũng đã tự chủ động mua các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây bạch đàn đỏ, cây keo, mỡ… vào trồng để tăng thu nhập. Đặc biệt, xã còn phối hợp với các phòng chức năng của huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây rừng. Nhờ đó, tỷ lệ cây sống sót sau trồng đạt trên 80%. Hiện nay, tất cả các cánh rừng đều phát triển tốt, một số diện tích rừng đã bắt đầu cho khai thác, bước đầu cho thấy hiệu quả. Ông Chu Văn Chung ở thôn Nà Phuộc cho biết, từ khi mới bắt đầu có phong trào trồng rừng, gia đình ông đã tự mua giống cây sa mộc, bạch đàn về trồng. Đến nay, rừng cây phát triển tốt, một số đã cho thu nhập, năm 2010 cho thu nhập từ khai thác rừng trên 10 triệu đồng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống gia đình.
Ngoài trồng rừng phân tán, người dân còn thực hiện chương trình rừng dự án 661; dự án Pam. Những hộ tham gia chương trình được hỗ trợ một phần kinh phí, giống, phân bón…nhờ thế diện tích rừng ngày một tăng. Trong 5 năm (2005-2010) nhân dân trong xã đã trồng được gần 500ha rừng mới các loại. Trong đó, có nhiều diện tích rừng chuẩn bị cho thu hoạch. Mặc dù, hiện nay thu nhập từ rừng mang lại cho người dân chưa cao, nhưng quan trọng nhất ở đây là nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đây không chỉ là lợi ích trước mắt mà còn phục vụ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội lâu dài của xã, huyện, góp một phần quan trọng tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái. Ông Nguyễn Triệu Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm gần đây, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của xã đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép, ký cam kết về trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến nhân dân. Hiện nay, một số diện tích rừng đã cho khai thác, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ rừng, vì vậy, trong khoảng 5 năm trở lại đây, ý thức của bà con trong xã đã có nhiều thay đổi, có ý thức trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, không đốt phá rừng bừa bãi.
Trong thời gian tới, để phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Chi Lăng phát triển mạnh, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đồng thời thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về rừng để xã hội hoá nghề rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và từng bước giúp người dân xoá đói giảm nghèo bền vững.
Đỗ Hoạt
Ý kiến ()