Hiệu quả phong trào sản xuất kinh doanh giỏi
LSO- Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và vươn làm giàu chính đáng là một phong trào lớn do Hội Nông dân phát động. Phong trào góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, đồng thời giúp nông dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Mô hình trồng táo của hội viên xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng
Nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học công nghệ, sáng tạo trong SXKD, áp dụng nhiều mô hình khác nhau, đưa các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn… mang lại nguồn thu nhập cao, đó là những kết quả đạt được từ khi phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi được các cấp Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn phát động. Như mô hình chăn nuôi của ông Vương Văn Đạt, xã Hòa Thắng (Hữu Lũng). Ông đã mạnh dạn xây dựng, phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung và kết hợp bán hươu thịt, rồi tận dụng những thứ rau, củ có sẵn nuôi thêm lợn rừng. Mô hình này giúp gia đình ông có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Đó chỉ là một trong rất nhiều hộ hội viên, nông dân có thu nhập cao từ khi phong trào được triển khai, điển hình như hộ ông Nông Văn Lợi, xã Cai Kinh, Nguyễn Văn Báo, xã Nhật Tiến (Hữu Lũng) với mô hình trồng cây ăn quả thu nhập trên 200 triệu/năm; hộ ông Hoàng Văn Ty, xã Quan Sơn (Chi Lăng) thực hiện mô hình “chế biến, sấy khô gừng nghệ xuất khẩu” đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm… Qua đó, thấy rằng phong trào đã và đang có sự chuyển biến nhất định, tạo động lực giúp hội viên phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2014, toàn tỉnh có hơn 2.700 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi. Ngay từ đầu năm 2015, có hơn 7.000 hộ hội viên đăng ký SXKD giỏi các cấp. Để thúc đẩy phong trào phát triển, hằng năm, các cấp hội đều chủ động nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH cho hội viên vay vốn. Đến nay có hơn 19.600 hộ hội viên, nông dân được vay với tổng dư nợ trên 503,8 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2015, Hội còn phối hợp với các đơn vị cung ứng hơn 36.000 tấn phân bón trả chậm phục vụ nhu cầu sản xuất. Để phong trào thực sự đi vào chiều sâu, Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được 402 lớp trên 21.000 lượt hội viên tham dự; tổ chức dạy nghề cho hội viên, nông dân được 28 lớp với 942 học viên tham gia.
Ông Hoàng Văn Thiết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Từ khi phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được phát động đã làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, giúp họ biết cách khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng vào phát triển sản xuất không để lãng phí về đất đai, lao động. Thông qua phong trào, đã phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân góp phần xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh, thu hút, tập hợp nông dân đến với tổ chức hội.
Bài, ảnh: HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()