Hiệu quả phát triển thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS
LSO-Tính đến giữa tháng 12/2017, toàn tỉnh có 642/643 bệnh nhân điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 99,8%. Với con số đó, Lạng Sơn là tỉnh đạt tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT cao nhất toàn quốc.
Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV và đồng nhiễm lao ở Bệnh viện Phổi Lạng Sơn |
Bà Hoàng Thị Minh Điệp, Trưởng khoa Điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2018, thuốc ARV sẽ không còn được trợ cấp miễn phí. Nếu bệnh nhân không có thẻ BHYT thì chi phí phải trả là hơn 1 triệu đồng/tháng; nếu bệnh nhân HIV/AIDS không tuân thủ tốt phác đồ điều trị 1, phải điều trị theo phác đồ 2 thì chi phí sẽ gấp 10 lần phác đồ 1. Do đó, khả năng bệnh nhân phải dừng điều trị ARV rất lớn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán tiền thuốc ARV, các chi phí khám, điều trị bệnh, xét nghiệm, điều trị nhiễm trùng cơ hội, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con, các dịch vụ kỹ thuật khác thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT. Do đó, nếu không mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như: lao, viêm phổi, nấm… thì gần như bệnh nhân không phải chi trả gì thêm.
Chị H.T.O ở Tràng Định, từ tháng 11/2017, chị điều trị ARV tại phòng khám ngoại trú của Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc. Chị O cho biết: Trước đây, tôi không có thẻ BHYT, mỗi tháng tôi mất hơn 1 triệu đồng điều trị, trong đó, riêng thuốc ARV đã hết 800 – 900 nghìn đồng, cộng thêm các chi phí khác. Hoàn cảnh khó khăn nên tôi xác định phải mua thẻ BHYT để có cơ hội điều trị bệnh đúng phác đồ. Bây giờ tôi chỉ phải cùng chi trả 20% chi phí điều trị/tháng.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, hiện nay toàn tỉnh duy trì hoạt động của 6 phòng khám, điều trị ARV tại: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung tâm y tế các huyện: Cao Lộc, Tràng Định, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Lãng. 100% phòng khám đều đủ điều kiện thanh toán BHYT. Trong đó, Phòng khám ngoại trú Cao Lộc thuộc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc có số lượng bệnh nhân điều trị đông nhất là trên 370 bệnh nhân. Trung bình mỗi bệnh nhân đến phòng khám lấy thuốc 1 tháng/lần. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 35 người nhiễm mới HIV, trong đó, 28 người được tiếp cận điều trị dự phòng, bệnh nhiễm trùng cơ hội, tư vấn, mua thẻ BHYT, 1 bệnh nhân chưa có thẻ BHYT do thẻ BHYT hết hạn, đang chờ cấp thẻ mới.
Do có thẻ BHYT hỗ trợ phần lớn chi phí chi trả trong quá trình điều trị nên đa số bệnh nhân HIV/AIDS duy trì điều trị và tuân thủ tốt phác đồ điều trị. Qua đó góp phần giảm số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS (giảm 11 ca) và tử vong do AIDS (giảm 4 ca) so với năm 2016. Trong số 83 bệnh nhân được làm xét nghiệm đo tải lượng vi rút, có 76 bệnh nhân có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (chiếm 93,8%).
Mặc dù tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS điều trị ARV có thẻ BHYT ở Lạng Sơn cao so với mức chung của cả nước, song chỉ tập trung ở nhóm người đang được điều trị ARV. So với số người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống, thì số người có thẻ BHYT chiếm 75,4%. Theo số liệu của ngành chức năng, trong năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT. Ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, năm 2018, chúng tôi tập trung tăng cường giám sát để nâng cao chất lượng công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS; nâng cao chất lượng hoạt động của các phòng khám ngoại trú điều trị bệnh nhân AIDS; tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS mua thẻ BHYT; mở rộng các cơ sở cấp phát thuốc để bệnh nhân được tiếp cận các dịch vụ dễ dàng hơn.
THANH HÒA
Ý kiến ()