Hiệu quả ở Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn
LSO-Trên 90% học sinh, sinh viên (HSSV) học nghề trọng điểm ASEAN ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và có việc làm phù hợp. Đó là kết quả đáng mừng cho thấy hiệu quả từ mô hình dạy nghề trọng điểm ASEAN ở Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn.
Sinh viên lớp Cao đẳng 2 thực hành môn trang bị điện trên mô đun thực hành thuộc nhóm nghề trọng điểm ASEAN |
Một tiết học về điện công nghiệp của thầy Nguyễn Bá Bắc, giáo viên khoa điện, điện tử thường kéo dài hơn thường lệ. Đơn giản vì đây là 1 trong những giờ học nằm trong chương trình giảng dạy nhóm nghề trọng điểm ASEAN với máy móc, trang thiết bị dạy và học hiện đại, đầy đủ, chương trình học phù hợp với thực tiễn… nên HSSV tham gia học luôn cảm thấy cuốn hút, say mê.
Em Hoàng Thị Mai, lớp CĐ1 – Điện công nghiệp cho biết: “Là con gái, theo học ngành kỹ thuật sẽ khó khăn hơn các bạn nam, nhưng em đã tìm hiểu kỹ và đăng ký nhóm ngành trọng điểm ASEAN vì tương lai xin được công việc phù hợp sẽ dễ dàng hơn”.
Được biết, đến nay Khoa Điện – Điện tử đã đào tạo được 4 khóa với khoảng 160 HSSV. Phần lớn các em ra trường đã có việc làm và thu nhập ổn định. Năm 2017, cùng với đào tạo nhóm ngành này thuộc hệ trung cấp, nhà trường tuyển được khóa cao đẳng đầu tiên với 30 sinh viên. Đây là nhóm ngành đòi hỏi tư duy cao và tác phong công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, vị trí việc làm sau khi ra trường. Nói về vấn đề này, thầy Bá Bắc cho biết thêm: Từ tháng 4 đến tháng 6/2017, Khoa đã kết hợp với Công ty Hanaka (Bắc Ninh) đưa học sinh hệ cao đẳng xuống thực tế vừa học vừa làm. Các em được thầy cô, công nhân lành nghề hướng dẫn, chỉ bảo công việc, được ăn ở, trả lương như những “công nhân thực thụ”. Đây là lần đầu tiên nhà trường thực hiện cách làm này. Nhìn chung, các em đã vượt qua khó khăn ban đầu khi tiếp cận với công việc. Sau đợt thực tế, sinh viên đã nâng cao nhận thức về nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp – điều mà công nhân thường hay thiếu và yếu.
Hiện Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn đang đào tạo 2 nhóm nghề trọng điểm cấp độ ASEAN là điện công nghiệp và cắt gọt kim loại. Đây là nhóm nghề được đầu tư tương đối đồng bộ về thiết bị và công nghệ; chương trình giáo trình theo ban hành của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đội ngũ giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao tay nghề trong các nước ASEAN; 1 giáo viên được đào tạo tại Đức. Từ khi bắt đầu thực hiện giảng dạy (năm 2013), nhóm nghề trọng điểm này đều tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu. Đáng mừng là trên 90% học sinh sau khi học nghề đều có việc làm ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
“Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục triển khai hiệu quả dạy nghề trọng điểm ASEAN trong thời gian tới” – ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định. Ông Hồng cho biết: Nhà trường sẽ tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hoàn thiện giáo trình giảng dạy, bổ sung trang thiết bị trong quá trình học tập lý thuyết gắn kết chặt chẽ với thực hành. Đặc biệt, duy trì việc đưa HSSV thực tập tại các dây truyền sản xuất để nâng cao kỹ năng tay nghề, rèn tác phong công nghiệp; mời doanh nghiệp phỏng vấn và tuyển dụng trong các kỳ thi tốt nghiệp để tạo cơ hội việc làm ngay đối với những em đạt yêu cầu… Tuy nhiên, cái khó trước mắt cũng như lâu dài khiến HSSV đào tạo tại trường chỉ “dừng chân” ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mà chưa “hội nhập” được với các doanh nghiệp trong khối ASEAN là do trình độ ngoại ngữ của giáo viên và học sinh còn hạn chế. Để khắc phục, nhà trường cũng đang có hướng từ nay đến cuối năm sẽ thành lập trung tâm ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh.
THANH HÒA
Ý kiến ()