Hiệu quả ở Chi Lăng
LSO- Kết thúc năm 2019, Chi Lăng là huyện đi đầu của tỉnh về cứng hóa đường giao thông nông thôn. Việc huy động nguồn lực được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng tích cực đã giúp cho Chi Lăng tăng cường đáng kể hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Người dân xã Chi Lăng cứng hóa đường giao thông phục vụ sinh hoạt và sản xuất
Năm 2019 được đánh giá là năm đột phá thực hiện phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn của huyện Chi Lăng theo phương thức “nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện”. Đáng chú ý phong trào phát triển rộng khắp và chất lượng, nhận được sự đồng thuận ủng hộ của người dân.
Như tại xã Quan Sơn, tất cả các hộ dân toàn xã đều góp tiền mua vật liệu làm đường trục xã với định mức 150 nghìn đồng/hộ/năm. Từ nguồn này cộng với sự hỗ trợ vật liệu của nhà nước, xã cứng hóa tuyến đường trục chính trước. Từ cách làm này năm 2019, xã Quan Sơn đã cứng hóa được 1,5 km đường trục xã, đoạn từ Làng Hăng đi Làng Thượng trị giá hơn 1 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp tiền mặt được 150 triệu đồng.
Đối với các tuyến đường trục thôn, các thôn đăng ký xin xi măng và để được cấp xi măng, các tuyến đường được cứng hóa phải đáp ứng yêu cầu mặt đường rộng từ 2 m trở lên. Nếu mặt đường dưới 2 m, xã sẽ không cấp xi măng. Lý giải về điều này, ông Ma Văn Thắng, địa chính xây dựng xã Quan Sơn cho biết: Thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới, nếu các tuyến đường trục thôn được cứng hóa có mặt đường rộng dưới 2 m sẽ không đáp ứng được yêu cầu vận tải hàng hóa của nhân dân trong tương lai. Nhận thức được chủ trương đúng và hợp lý, các thôn đã tự nguyện đối ứng kinh phí để cứng hóa đường trục thôn có mặt đường rộng 2 m trở lên. Trong năm 2019, các thôn của xã đã cứng hóa được 1,2 km đường trục thôn với tổng kinh phí nhân dân đối ứng hơn 200 triệu đồng.
Ngoài xã Quan Sơn, trong năm 2019, nhiều xã, thị trấn khác của huyện phong trào chung sức làm đường giao thông cũng phát triển mạnh. Cụ thể như thị trấn Chi Lăng, trong năm 2019, các thôn và khu dân cư đã cứng hóa được hơn 5,2 km đường các loại, trong đó, đường cấp A là 1,82 km, cấp B 1,85 km, cấp C 1,26 km và đường cấp D là 300 m. Để làm đường, nhà nước đã hỗ trợ 1.164 tấn xi măng và nhân dân đối ứng tiền mặt, ngày công trị giá 2,5 tỷ đồng. Xã Gia Lộc (xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019) cũng làm tốt công tác huy động nguồn lực để cứng hóa đường giao thông. Trong năm, xã đã cứng hóa được 5,7 km, chủ yếu là đường cấp C, nhà nước hỗ trợ 761 tấn xi măng, nhân dân đối ứng trị giá hơn 2 tỷ đồng và hiến 544 m2 đất để mở rộng nền mặt đường.
Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chi Lăng, kết thúc năm 2019, toàn huyện đã cứng hóa được 51,1 km đường giao thông các loại (năm 2018, toàn huyện làm được 33,7 km đường bê tông), nhà nước hỗ trợ hơn 8.000 tấn xi măng để nhân dân làm đường. Trong đó, đường cấp A (mặt đường tối thiểu 3,5 m) là 2,3 km; đường cấp B (mặt đường tối thiểu 3 m) là 25,4 km, đường cấp C (mặt đường tối thiểu 2 m) là 15,3 km và đường cấp D (mặt đường tối thiểu 1,5 m) là 8,2 km. Tổng kinh phí thực hiện 35,3 tỷ đồng, bao gồm: nhà nước hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng, nhân dân đối ứng 25,3 tỷ đồng và hiến hơn 23 nghìn mét vuông đất để mở rộng nền mặt đường.
Ông Linh Văn Phúc, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Kết quả thực hiện cứng hóa đường giao thông năm 2019 khởi sắc do người dân đồng thuận cao, nhận thức đúng và đầy đủ về việc làm đường để phát triển kinh tế. Vì vậy, huyện đã vận dụng tối đa cơ chế, chính sách để mua xi măng hỗ trợ nhân dân làm đường. Hơn nữa, việc thực hiện cứng hóa đường giao thông theo Đề án 109 của tỉnh đã tiết kiệm được 50% chi phí xây dựng các tuyến đường giao thông, nhất là các tuyến đường trục xã. Không những thế, nếu như những năm trước, tỷ lệ các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm cấp D chiếm gần 50% khối lượng toàn huyện thì đến năm 2019, tỷ lệ tuyến đường trục thôn, ngõ xóm tiêu chuẩn cấp D đã giảm rất lớn, tương đương 16% tổng chiều dài các tuyến đường được xây dựng.
TRANG NINH
Ý kiến ()