Hiệu quả ở Bắc Sơn
LSO-Mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS & SS) là giải pháp quan trọng để phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh nhằm hạ thấp tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ. Từ cuối năm 2016 đến nay, Bắc Sơn đã thực hiện mô hình xã hội hóa khám SLTS & SS tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Lấy máu xét nghiệm cho trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế Bắc Sơn |
Thành quả bước đầu
SLTS & SS được huyện Bắc Sơn triển khai từ năm 2013 tại 4 xã: Đồng Ý, Hữu Vĩnh, Quỳnh Sơn, Bắc Sơn và thị trấn Bắc Sơn. Đề án chủ yếu tập trung vào phát hiện các dị tật ống thần kinh, hội chứng Down, hội chứng Edward, đặc biệt 2 bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh là bệnh thiếu men G6PD (nguyên nhân gây bệnh lý di truyền vàng da, dễ tử vong) và bệnh suy giáp trạng bẩm sinh. Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dân số, Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) huyện đã triển khai mô hình xã hội hóa SLTS và SS từ cuối năm 2016 tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn.
Thực hiện mô hình, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung đẩy mạnh việc truyền thông lồng ghép các kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình với đề án SLTS & SS tại các thôn, bản được 86 buổi với hơn 2.600 lượt người nghe. Đối tượng được tuyên truyền là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó tập trung vào nhóm: phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên, thai phụ có tiền sử sảy thai tự nhiên, thai chết lưu hoặc có con chết sớm sau sinh, cặp vợ chồng kết hôn cận huyết, thai phụ thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, tiền sử gia đình có người mắc các dị tật hoặc bệnh di truyền… Cùng với đó, Trung tâm DS – KHHGĐ còn phối hợp với Trung tâm Y tế (TTYT) Bắc Sơn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế tham gia trực tiếp vào việc khám SLTS và lấy máu gót chân sơ sinh.
Ông Đinh Văn Khoan, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Bắc Sơn cho biết: Đối với mô hình khám SLTS & SS, bà mẹ mang thai được siêu âm định kỳ khi thai ở tuần 12, 22, 32 để có thể theo dõi sự phát triển và sớm phát hiện dị tật ở thai nhi trực tiếp; đối với các em bé, khi mới sinh ra từ 24 – 48 giờ được lấy 2 giọt máu ở gót chân. Thông qua mẫu xét nghiệm sẽ phát hiện được những dị tật ở trẻ sơ sinh mà mắt thường không nhìn thấy được. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đã có 71 trẻ sơ sinh lấy mẫu máu gót chân, kết quả có 9 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD, yêu cầu xét nghiệm, chẩn đoán lần 2 có 7 trường hợp mắc bệnh thiếu men G6PD. Đây là việc làm quan trọng nhằm sớm phát hiện dị tật của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số của địa phương.
Chị Dương Thị Hiền, 39 tuổi, sinh con tại TTYT huyện Bắc Sơn cho biết: Được các cán bộ chuyên trách về dân số tích cực tuyên truyền nên tôi đã thực hiện việc khám SLTS và lấy máu gót chân cho con. Tôi đã có tuổi nên thấy đây là việc cần thiết để kiểm tra sức khỏe, tình trạng bệnh lý của hai mẹ con.
Còn nhiều khó khăn
Hiệu quả là vậy nhưng việc thực hiện mô hình còn nhiều vấn đề bất cập, trong đó trang thiết bị phục vụ cho khám SLTS & SS còn rất thiếu thốn. TTYT huyện là nơi duy nhất có đủ điều kiện thực hiện việc khám SLTS và lấy máu xét nghiệm gót chân. Bên cạnh đó, định mức chi cho việc thực hiện các kỹ thuật như: lấy máu gót chân, vận chuyển máu… còn thấp, nên gây khó khăn, áp lực cho các đơn vị.
Mặt khác, do tâm lý sợ trẻ bị đau khi lấy máu xét nghiệm nên nhiều gia đình chưa tự nguyện làm xét nghiệm cho trẻ hoặc còn thiếu hợp tác trong khi lấy máu. Dù đã được tham gia tập huấn nhưng kiến thức, kỹ thuật chuyên môn về các hoạt động này của cán bộ y tế và đội ngũ tư vấn còn hạn chế. Bên cạnh đó, phương tiện trang thiết bị còn thiếu, do vậy cũng ảnh hưởng tới việc triển khai các kỹ thuật sàng lọc.
Để mô hình SLTS & SS thực sự có hiệu quả cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp, ngành, nhất là người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về công tác này. Đặc biệt, cần tăng cường xã hội hóa dịch vụ này để nhiều trẻ được sàng lọc hơn, từ đó mới có thể phát hiện sớm bệnh và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ nhằm nâng cao chất lượng dân số.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()