Trong những năm qua, chương trình tín dụng đầu tư, xuất khẩu, bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất đã tích cực thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển. Hiện nay, trong quá trình triển khai, thực hiện các chương trình tín dụng còn gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn tỉnh số dự án phát sinh còn hạn chế, quy mô đầu tư còn nhỏ, doanh nghiệp hoạt động còn yếu, khả năng cạnh tranh không cao…
LSO-Trong những năm qua, cùng với nguồn vốn tín dụng các ngân hàng thương mại, nguồn vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh đã thúc đẩy hiệu quả các chương trình, dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp không ngừng vươn lên, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn đó đã thực sự góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn.
|
Hoạt động khai thác, sản xuất than tại Công ty than Na Dương |
Ngân hàng phát triển thực hiện nhiệm vụ cho vay đầu tư và cho vay các dự án theo Nghị định của Chính phủ; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; bảo lãnh tín dụng đầu tư; tín dụng hỗ trợ xuất khẩu và các chương trình mục tiêu khác của Chính Phủ. Với các nhiệm vụ đó, trong những năm qua, Chi nhánh đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai tốt các chương trình tín dụng theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP, ngày 20/12/2006 và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP, ngày 19/9/2008 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu. Trong quá trình thực hiện, các dự án, phương án vay đầu tư sản xuất kinh doanh đều được hướng dẫn, thẩm định theo đúng trình tự, thủ tục quy định trước khi đầu tư vốn và bảo lãnh.
Thông qua các hoạt động nghiệp vụ, đến nay, Chi nhánh đã cho vay trực tiếp gần 2.000 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư và phương án xuất khẩu. Hàng năm, mức dư nợ được duy trì hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư tập trung cho các lĩnh vực công nghiệp mỏ, khai thác khoáng sản, sản xuất điện, vật liệu xây dựng, trồng rừng kinh doanh, phát triển đường giao thông… Cụ thể một số dự án có vốn đầu tư lớn như: nhiệt điện Na Dương 1.200 tỷ đồng, than Na Dương 169 tỷ đồng, cải tạo nâng cấp quốc lộ 279 là 144 tỷ đồng, chương trình kiên cố hóa kênh mương 305 tỷ đồng; dự án sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Hồng Phong 13 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi nhánh đã hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại hơn 1.500 tỷ đồng, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm mới cho hơn 400 lao động có thu nhập ổn định…
Trong những năm qua, chương trình tín dụng đầu tư, xuất khẩu, bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất đã tích cực thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển. Hiện nay, trong quá trình triển khai, thực hiện các chương trình tín dụng còn gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn tỉnh số dự án phát sinh còn hạn chế, quy mô đầu tư còn nhỏ, doanh nghiệp hoạt động còn yếu, khả năng cạnh tranh không cao…
Để khắc phục những khó khăn đó, thực hiện tốt hơn chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu trong tình hình mới theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, ngày 30/8/2011 của Chính phủ, trong thời gian tới chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh tiếp tục bám sát quy hoạch, kế hoạch và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đặc biệt là danh mục các dự án gọi đầu tư của tỉnh để nâng cao hiệu quả đầu tư. Theo đó, thực hiện có chất lượng công tác thẩm định các dự án, phương án vay vốn; chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời phối hợp thường xuyên cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Lâm Như
Ý kiến ()