Hiệu quả mô hình tổ vay vốn
Thời gian qua, hoạt động cho vay qua tổ vay vốn (TVV) đã trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả hàng đầu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống của các hộ gia đình.
Thời gian qua, hoạt động cho vay qua tổ vay vốn (TVV) đã trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả hàng đầu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống của các hộ gia đình.
Những cánh tay nối dài
Nam Ðịnh, Thái Bình được đánh giá là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả mô hình cho vay qua TVV. Theo Phó Giám đốc Agribank Nam Ðịnh Nguyễn Anh Tuấn, với số lượng cán bộ tín dụng có hạn trong khi địa bàn rộng, nếu không có các TVV thì đồng vốn của ngân hàng sẽ không thể tới được từng hộ dân. Hiện nay, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp,… đem lại thu nhập cao, tạo việc làm thường xuyên. Hoạt động của TVV luôn được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động nhờ sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn; không xảy ra tình trạng chiếm dụng, nợ đọng vốn.
Là người đã có mười năm làm tổ trưởng TVV Tổ dân phố Lâm Tiên (thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh), ông Cao Thiện Chiến cho biết, hiện TVV của ông có hơn 30 hội viên với dư nợ gần sáu tỷ đồng tại Agribank xã Giao Thủy. Nhu cầu vốn của các tổ viên hầu như được đáp ứng kịp thời. Ông Chiến chia sẻ: Ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện cho bà con nông dân vay vốn. Ngay khi người dân trên địa bàn có dự án, tổ trưởng có trách nhiệm báo với ngân hàng, sau đó cán bộ tín dụng xuống làm việc và xét duyệt, thẩm định hồ sơ. Sau một hoặc hai ngày, người dân đã có thể được tiếp cận vốn ngân hàng để kịp thời sản xuất, kinh doanh. Tổ trưởng TVV xóm 16 (xã Hải Ðường, huyện Hải Hậu, Nam Ðịnh) Hoàng Văn Tuyến cũng cho biết, trước đây, bà con nông dân vay vốn khó khăn thường tìm đến tín dụng “đen”. Nhưng từ khi vay được vốn của Agribank qua TVV với lãi suất thấp, bà con đã không còn phải chịu cảnh “vay nặng lãi”, để có vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với Nam Ðịnh, các TVV hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc chuyển vốn đến người nông dân. Ðến nay, toàn tỉnh có 1.600 TVV tại 285 xã, thị trấn với 34.643 tổ viên. Tính đến cuối tháng 8-2013, dư nợ cho vay qua các TVV đạt 793 tỷ đồng. Phó Giám đốc Agribank Thái Bình Bùi Quang Vinh cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh thông qua các TVV để dẫn vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất. Ðồng thời, tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng ở nông thôn.
Hiệu quả từ đồng vốn
Hoạt động cho vay hộ sản xuất qua TVV đã góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, các hộ nông dân từ chỗ sản xuất, chăn nuôi với quy mô nhỏ nay đã phát triển với quy mô sản xuất hàng hóa lớn hơn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh theo mô hình trang trại được hình thành, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Gia đình anh Bùi Thọ Thính (thôn Ðông, xã Ðông Sơn, Ðông Hưng, Thái Bình) hiện có dư nợ tại Agribank xã Ðông Sơn 400 triệu đồng. Vợ chồng anh được vay tín chấp ngân hàng với lãi suất 11%/năm để chăn nuôi, kết hợp kinh doanh mô hình trang trại tổng hợp. Với diện tích 15 nghìn m2, trong đó 8.000 m2 mặt nước nuôi cá rô, ếch, trạch… mô hình kinh tế này đã mang lại lợi nhuận cho gia đình anh từ 400 đến 500 triệu đồng/năm. Nói về hiệu quả hoạt động của TVV, anh Thính cho biết, trước đây người dân ở xã tiếp cận nguồn vốn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi thông qua các TVV và được các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp, người dân trong xã đã được cung ứng vốn nhanh chóng, kịp thời để từ đó thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Cũng chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo từ nguồn vốn vay ngân hàng, ông Cao Thiện Chiến (thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy, Nam Ðịnh) cho biết: Trước đây, cả gia đình ông chỉ trông chờ vào bốn sào muối cho thu nhập 2 triệu đồng/năm, cấy thêm bốn sào lúa, nên cuộc sống rất khó khăn. Nhưng cách đây hơn một năm, vì là tổ trưởng TVV nên ông được lãnh đạo thị trấn cử đi học cách nuôi tôm. Sau khi học xong, ông tiếp tục mua sách về đọc và học hỏi thêm kinh nghiệm ở những vùng lân cận. Rồi ông quyết định vay tiền mua thêm đất để đào ao nuôi tôm. Quyết định của ông đã được họ hàng và cán bộ ngân hàng ủng hộ nên ông đã đầu tư khoảng hai tỷ đồng, trong đó vay Agribank 700 triệu đồng. Sau một năm, chín ao tôm với tổng diện tích khoảng 3,5 ha đã cho thu hoạch, trừ chi phí gia đình ông lãi 500 triệu đồng. Ðến nay, gia đình ông đã trả dần nợ và chỉ còn dư nợ tại ngân hàng là 300 triệu đồng. Ông Chiến cho biết thêm, hiện nay một nửa số tổ viên trong TVV của ông cũng đang vay vốn chuyển đổi từ trồng muối sang nuôi tôm. Nhiều hộ gia đình từ đó cũng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()