Hiệu quả mô hình hòm thư “Điều em muốn nói”
LSO-“Điều em muốn nói” là tên gọi hòm thư đặt tại các trường học do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bắc Sơn triển khai gần 10 năm nay. Mô hình đã góp phần khơi dậy trong mỗi học sinh tính trung thực, dám lên án cái xấu, cái sai, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh phục vụ công tác giảng dạy, học tập trong các nhà trường.
Học sinh Trường THCS thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn gửi ý kiến
vào hòm thư “Điều em muốn nói” của trường
Ông Dương Doãn Trung, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn cho biết: Mô hình hòm thư “Điều em muốn nói” được phòng triển khai cách đây gần 10 năm, tập trung ở 41 trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Mục đích của mô hình là tập hợp những ý kiến, những phản ánh của các em liên quan tới vấn đề an ninh trật tự trong trường học, thậm chí cả những điều tế nhị, thầm kín từ các em. Hằng tuần, hằng tháng, Ban Giám hiệu các nhà trường sẽ mở hòm thư một lần để nắm bắt những điều học sinh muốn chia sẻ, từ đó xác minh và tìm hướng giải quyết.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, hòm thư “Điều em muốn nói” trong các trường học ở huyện Bắc Sơn đã tiếp nhận trên 200 nguồn tin học sinh cung cấp. 100% thông tin đã được các nhà trường xác minh, làm rõ; đồng thời có những biện pháp xử lý phù hợp đối với những trường hợp vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật, định hướng các em có hành vi đúng đắn, có lối sống lành mạnh, trong sáng.
Tìm hiểu thực tế tại Trường THCS thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, chúng tôi thấy mô hình hòm thư “Điều em muốn nói” nhiều năm trở lại đây đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Ví như năm học 2014 – 2015, Ban Giám hiệu nhà trường nhận được một mẩu giấy giấu tên trong hòm thư, trong đó có ghi thông tin 1 em học sinh trộm gà hàng xóm. Nhà trường lập tức xác minh thông tin từ phía khu dân cư, đồng thời gọi hỏi học sinh; kết quả là em thừa nhận hành vi sai trái của mình. Nhà trường đã nhắc nhở, yêu cầu em học sinh viết bản kiểm điểm, đồng thời phối hợp với phụ huynh có biện pháp giáo dục kịp thời. Những năm học tiếp theo học sinh đó không còn tái phạm.
Cô giáo Đỗ Thị Tiên, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Bắc Sơn cho biết: Không chỉ trường hợp trên mà từ hòm thư, nhà trường cũng nhận được nhiều thông tin phản ánh việc học sinh hút thuốc lá trong và ngoài khu vực nhà trường, thông tin về chuyện tình cảm của các em… Từ tháng 9/2017 đến nay, nhà trường đã nhận được 11 nguồn tin liên quan tới các nội dung đó; các thông tin đều có tính chân thực. Phần lớn các em giấu tên khi phản ánh nhằm giữ tình đoàn kết bạn bè. Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã gặp riêng từng trường hợp để nhắc nhở, đưa ra những định hướng tốt nhất cho các em, bởi lứa tuổi các em rất bồng bột, chưa chín chắn. Các câu chuyện đều được giải quyết hợp lý, đặc biệt là thường được giấu kín để giữ thể diện, không làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như việc học của các em.
Cũng như Trường THCS thị trấn Bắc Sơn, nhiều cơ sở giáo dục khác trên địa bàn huyện Bắc Sơn cũng phát huy hiệu quả tích cực thông qua hòm thư “Điều em muốn nói”. Nhờ mô hình đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trong các trường học, xây dựng môi trường học tập ngày càng thân thiện, tạo sự gắn kết giữa thầy và trò.
Đại úy Hoàng Văn Thảo, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT Công an huyện Bắc Sơn cho biết: Những năm qua, đơn vị luôn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện phát động và xây dựng các mô hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Trong đó, ngành GD&ĐT huyện đã duy trì rất hiệu quả mô hình hòm thư “Điều em muốn nói”. Hầu hết các nguồn tin hoặc vụ việc mà lực lượng công an nhận được đều mới chỉ ở mức nhen nhóm nên đã kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm nội quy của trường, của lớp, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội xâm nhập học đường. Nhiều năm trở lại đây, các trường học thực hiện mô hình đều đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”.

Ý kiến ()