Hiệu quả mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản trên cạn tại Hà Nội
Nuôi vịt thương phẩm trên cạn vừa góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân vừa mang lại sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Ngành chăn nuôi vịt được xác định là một trong những ngành không thể thiếu trong chương trình tái cơ cấu chăn nuôi. Để mở rộng quy mô và phát triển theo hướng hàng hóa và bền vững, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng, triển khai Mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản trên cạn.
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong năm 2021, mô hình nuôi vịt trên sàn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại 3 huyện: Thường Tín, Thanh Oai và Ứng Hòa với 35 hộ tham gia, quy mô 30.000 con. Đàn vịt được nuôi theo đúng quy trình và phòng bệnh đầy đủ bằng vaccine, chăm sóc nuôi dưỡng theo đúng giai đoạn phát triển; định kỳ được vệ sinh tiêu độc chuồng trại…
Sau một thời gian triển khai, mô hình đã cho kết quả tốt, đạt được các mục tiêu và yêu cầu đề ra, đã chuyển giao cho các hộ tham gia về kỹ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản trên cạn.
Ưu điểm của mô hình nuôi vịt thương phẩm cao sản trên cạn là phương thức nuôi sàn thuận tiện cho việc vệ sinh chuồng trại giúp đàn vịt sạch sẽ, thoáng mát, vịt không bị thối lông bụng do được cách ly với phân và chất thải; nuôi được với mật độ cao hơn trên nền đất, đảm bảo được đầu con, dễ kiểm soát được dịch bệnh, vịt lớn nhanh, đồng đều, tỉ lệ nuôi sống đến lúc xuất bán đạt cao, dễ bán. Sau 49-56 ngày nuôi, trọng lượng xuất chuồng đạt 3,3-3,6 kg/con.
Bên cạnh đó, mô hình còn giúp bà con tốn ít công chăm sóc, dễ quản lý dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có thể nuôi được với quy mô lớn, không cần theo mùa vụ.
Ông Tạ Hữu Lợi, thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai cho biết, trong chăn nuôi, chất thải và nước vệ sinh luôn là mối lo về dịch bệnh của bầy vịt. Với mô hình chăn nuôi vịt trên sàn lưới, chất thải của vịt sẽ rơi xuống và được làm vệ sinh hằng ngày, tổng vệ sinh khử trùng hằng tuần sẽ hạn chế được dịch bệnh lây lan trong đàn vịt. Ở vị trí cho vịt ăn có trải tấm bạt vuông mỗi bề 1,5 m để hứng những hạt thức ăn dính theo mỏ vịt văng ra. Tham gia mô hình, cùng với hỗ trợ 50% về con giống và 50% thức ăn cho vịt, các hộ chăn nuôi còn được tham gia các lớp tập huấn, được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, quy trình phòng bệnh cho đàn vịt.
Trong thời điểm người dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng như bệnh dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp thì mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản trên cạn là cách làm hay, góp phần ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản trên cạn đã đem đến cho người chăn nuôi cái nhìn và cách làm mới trong chăn nuôi vịt sàn. Mô hình đem lại những hiệu quả rõ nét về kinh tế, xã hội, đặc biệt là về vấn đề an toàn thực phẩm trong chăn nuôi khi theo hướng an toàn sinh học: Thích ứng với nhiều biến đổi khí hậu, nuôi được với quy mô lớn.
Qua việc triển khai thực hiện mô hình đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ việc nuôi vịt theo thói quen cũ, theo phương thức truyền thống là nuôi vịt thả đồng hay nuôi trên ao hồ sông suối (tốn công chăm sóc, khó quản lý dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, mua con giống không rõ nguồn gốc, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, phòng bệnh bằng vaccine chưa đầy đủ và đúng lịch).
Đây là mô hình dễ áp dụng, kinh phí đầu tư không lớn, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Mô hình đã đưa giống cao sản có năng suất chất lượng cao để nuôi thịt và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị thương phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển chăn nuôi bền vững, nhất là góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
Để nhân rộng mô hình cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao năng lực cho người dân trong sản xuất nông nghiệp an toàn. Từ đó, tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng an toàn sinh học, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để quản lý tốt hơn về chất lượng sản phẩm và dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Ý kiến ()