Hiệu quả mô hình canh tác mới ở An Giang
Chạy dọc theo các tuyến đường đê bao quanh các xóm ấp ở các xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang), là bạt ngàn rẫy ớt, bắp, đu đủ, cóc thái... như tấm thảm dưới hàng xoài cao chưa quá đầu người cũng bắt đầu ra hoa, kết trái. Ðây cũng là mô hình canh tác mới hiệu quả ở An Giang.
Chạy dọc theo các tuyến đường đê bao quanh các xóm ấp ở các xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang), là bạt ngàn rẫy ớt, bắp, đu đủ, cóc thái… như tấm thảm dưới hàng xoài cao chưa quá đầu người cũng bắt đầu ra hoa, kết trái. Ðây cũng là mô hình canh tác mới hiệu quả ở An Giang.
Ông Nguyễn Hữu Tặng (ngụ ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân) xách giỏ ớt nặng oằn tay ngồi trong đám ớt chi chít trái xanh đỏ, hai tay vừa bẻ thoăn thoắt, vừa nói: Thấy chung quanh người ta trồng lời nhiều mà khỏi lo đầu ra, trong khi ruộng lúa của mình chuột cắn phá, lời ít, lỗ nhiều nên tôi thuê người cuốc đất lên bờ làm rẫy, trồng xoài. Với khoảng 3,5 công đất, ông Tặng trồng 800 gốc xoài ba mầu Ðài Loan (Trung Quốc). Xoài bắt đất, vài tháng sau, ông trồng xen ớt. Vừa thu hoạch lần đầu được tám đợt, bình quân 500 kg/đợt, giá bán dao động từ 17 đến 22 nghìn đồng/kg, thương lái tới tận ruộng thu mua, gia đình ông lời hơn 10 triệu đồng/công. Cây ớt trồng một lần thu hoạch suốt trong sáu tháng, tới mưa xuống thì bỏ, để đất nghỉ hai tháng rồi trồng lại. Xoài trồng 18 tháng có trái, vụ đầu thu hoạch khoảng 5 kg/cây, nhân 800 gốc, thu được 4 tấn xoài, giá 18 nghìn đồng/kg, gặp lúc trái vụ 27 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cho lời khoảng 50 triệu đồng. Nhiều nông dân cho biết, do lúc đầu đất còn phèn nên lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 10%, chứ vài năm sau lời 50%; có người trồng xoài lời 80 triệu đồng/năm, ớt lời 40 triệu đồng/công. Ông Hùng, nông dân ấp Bình Trung chia sẻ: Làm mô hình vườn vốn đầu tư ban đầu nặng nhưng thu hoạch trọn những năm về sau. Cây xoài càng lớn năng suất càng cao, thu hoạch hai đến ba đợt/năm, còn có thể trồng xen cây ngắn ngày, chỉ tốn chi phí phân và thuốc…
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước Xuân Huỳnh Văn Cường cho biết, từ hiệu quả kinh tế cao, địa phương phát động chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, được nhân dân đồng tình ủng hộ theo chủ trương xây dựng nông thôn mới và phát triển mô hình kinh tế tập thể theo Nghị quyết T.Ư 5. Từ năm 2005, nông dân bắt đầu rục rịch chuyển lúa sang màu, đến năm 2010 chuyển sang mô hình màu – vườn ở tám tiểu vùng đê bao khép kín. Hiện nay, toàn xã có 350 ha vườn, 857 ha màu, 28 ha lúa; dự kiến vụ 2 năm 2013 sẽ chuyển 100% số diện tích sang mô hình màu, vườn.
Ông Cường so sánh: Từ hiệu quả các mô hình cho thấy, thu nhập kinh tế rất cao: bắp non lợi nhuận 2 triệu đồng/công/vụ, trồng được bốn vụ/năm; khoai cao từ 3,6 đến 20 triệu đồng/công/vụ (hai vụ/năm); ớt 34 đến 40 triệu đồng/công/vụ; xoài ba mầu Ðài Loan (Trung Quốc) thu hoạch đợt đầu lợi nhuận đạt hơn 7 triệu đồng/công… Trong khi trồng lúa, năng suất bình quân 500 kg/công, giá 6.500 đồng/kg, lợi nhuận cao lắm cũng chỉ hơn 1 triệu đồng.
Từ hiệu quả của mô hình, nhiều nông dân các xã lân cận như: Mỹ An, Hội An, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, An Thạnh Trung… cũng làm theo. Anh Ðỗ Văn Quá (ngụ ấp An Khương, xã An Thạnh Trung) hồ hởi nói: Với diện tích 1.200 m2, anh trồng 120 gốc xoài 3 mầu và bắp thu trái non, nuôi bò. Xoài từ khi có bông tới thu hoạch mất ba tháng. Trồng bắp chưa đầy hai tháng có ăn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 2 triệu đồng/công. Bắp trồng luân canh bốn vụ/năm. Ðó là còn chưa kể đến lấy cây, vỏ, cờ bắp cho bò ăn hoặc bán. Anh Quá nhẩm tính, với mô hình bắp – bò – xoài, mỗi năm gia đình anh có lời khoảng 90 triệu đồng.
Kinh tế càng khó khăn, nông dân càng vượt khó. Bên cạnh sự nỗ lực năng động, sáng tạo, vượt khó của nông dân, còn có sự đầu tư đúng mức của địa phương, với hệ thống đê bao khép kín thuận lợi cho việc sản xuất quanh năm. Ðể phục vụ cho nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác, địa phương đang tiếp tục đầu tư nạo vét các kênh mương nội đồng, gia cố hệ thống tiểu vùng đê bao khép kín, đầu tư trạm bơm điện. Các câu lạc bộ nông dân tăng cường hoạt động hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa màu, vườn cây ăn trái…
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của bà con trồng hoa màu vùng đất cù lao là phải thường xuyên đối mặt với tình trạng biến động giá cả thị trường, không chủ động được đầu ra cho sản phẩm, còn lệ thuộc vào thương lái. Do đó, hầu hết bà con rơi vào tình trạng bị thương lái ép giá vào những thời điểm thu hoạch rộ. Ðể bảo vệ quyền lợi nhà nông, địa phương cần tổ chức sản xuất, tăng cường hợp tác với các công ty tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm… để giúp nông dân trong khâu tiêu thụ. Ðặc biệt, sản xuất theo hướng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh,VietGap… để sản phẩm nông sản không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu, tăng giá trị kinh tế.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()