Hiệu quả luân canh và chế biến sâu nông sản
Nhờ đẩy mạnh thâm canh, luân canh cây trồng, đồng thời ứng dụng khoa học, kỹ thuật để chế biến sâu nông sản sau thu hoạch, đã giúp nhiều nông dân ở Hải Dương nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Vẫn đồng ruộng đó, diện tích đó, nhưng nhiều nông dân đã có thể làm giàu.
Những năm trước đây, nông dân các vùng chuyên canh rau, quả chủ yếu là phát triển độc canh một loại cây trồng nhất định, để thuận tiện bán hàng và dễ chăm bón. Song thực tế cho thấy, với hình thức sản xuất như vậy, đất lâu dần bị bạc màu, sâu bệnh phát triển… dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Để khắc phục, nhiều địa phương đã tổ chức cho người dân sản xuất luân canh, xen canh quay vòng cây trồng nhiều vụ trong một năm.
Đẩy mạnh thâm canh, luân canh
Dừng lại trước cánh đồng rau màu được quy hoạch đẹp mắt, bài bản tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Bạch Đằng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn Nguyễn Xuân Hạ chia sẻ: “Vụ đông 2021-2022, chúng tôi phấn đấu gieo trồng 4.400ha rau, riêng hành và tỏi khoảng 3.900ha. Với công thức luân canh “2 lúa 1 màu”, vụ đông (vụ màu) là vụ thứ 3 trong năm lại có vị trí chiến lược và quan trọng, chiếm 70% giá trị sản xuất nông nghiệp trong năm và chủ lực là cây hành, tỏi chiếm 80% diện tích gieo trồng cây vụ đông hằng năm”.
Phương pháp sản xuất thâm canh, luân canh này đã nâng hệ số sử dụng đất lên 2,96 lần/năm, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ở đây năm 2021 đạt hơn 265 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người hơn 75,2 triệu đồng/năm.
Cây tỏi ở đây được người dân thu hoạch vào cuối năm, sau bốn tháng trồng. Mỗi một sào Bắc Bộ (360m2) hiện nay đang cho thu hoạch khoảng 600kg tỏi tươi, tương đương với khoảng 300kg tỏi khô. Giá bán dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg, như vậy mỗi sào tỏi bà con thu từ 18 đến 20 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng Trần Văn Tặng cho biết: Các công thức luân canh như: Dưa chuột xuân-hành lá; su hào vụ sớm-cà chua đông; cà chua xuân hè-dưa hấu hè thu; rau cải dưa-khoai tây đông; dưa lê thơm vụ xuân hay đậu đũa-ớt chỉ thiên-rau đông ngắn ngày…, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là nâng cao giá trị sử dụng đất.
Hiện nay, hầu hết tuyến đường ra đồng của xã Bạch Đằng được hoàn thiện, đổ bê-tông rộng sáu đến bảy mét, thuận lợi cho người dân đi lại cũng như đưa máy móc, phương tiện vào đồng, vận chuyển nông sản tận bờ ruộng.
Năm 2021, mặc dù đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương vẫn vượt khó, tiếp tục tăng trưởng cao, đứng thứ 2 toàn quốc với giá trị sản xuất đạt hơn 20.308 tỷ đồng. Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương Nguyễn Tiến Tráng cho biết: Để thúc đẩy bà con sản xuất theo hướng thâm canh, luân canh thì cần đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả phát triển bền vững. Cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý, đồng thời tập trung quy hoạch lại và xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.
Từ thực tế tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm chia sẻ: Việc sản xuất luân canh cây trồng còn có vai trò rất quan trọng để tăng độ phì nhiêu, điều hòa chất dinh dưỡng trong đất, làm gián đoạn quá trình sinh sản và chu kỳ sống của sâu bệnh hại, từ đó làm giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng. Thời gian qua, địa phương đã rà soát, điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp tại địa phương, nhằm phát huy tối đa lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lợi thế vùng và thế mạnh trên bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng của các địa phương.
Giá trị tăng 10 lần nhờ chế biến sâu
Mùi thơm của “cái rượu” nếp lên men, tỏa khắp tại một xưởng chế biến rượu gạo phường Hiệp Sơn, thị xã Kinh Môn. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Phương Khiêm Trần Đình Khiêm cho biết: “Muốn chế biến sâu sản phẩm, chúng tôi đã đầu tư máy chưng cất rượu và tinh dầu hiện đại và giữ nguyên được hương vị của nếp cái hoa vàng đặc trưng”.
Khái toán cho thấy, mỗi kg gạo này đang được bán “thô” với giá khoảng 30 đến 35 nghìn đồng/kg. Khi chế biến thì khoảng 0,8kg gạo sẽ cho ra 1l rượu nguyên chất (29 độ), với giá bán 100 nghìn đồng/lít. Như vậy với việc chế biến sâu sản phẩm đã nâng giá trị của gạo lên hơn 3 lần sản phẩm gạo thô. Với những phân khúc cao cấp khác (ngâm đựng trong thùng gỗ sồi, đóng chai sứ, thủy tinh…) thì giá của sản phẩm còn cao hơn nữa.
Nằm trong vùng nguyên liệu lớn nhất miền bắc cho nên nhiều doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp của thị xã đầu tư máy móc, dây chuyền, công nghệ chế biến sâu từ cây hành, tỏi. Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Agrico Nguyễn Văn Ánh cho biết: “Từ việc nghiên cứu chất lượng tỏi ở đây, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư chế biến sâu củ tỏi. Sau khi thu hoạch và phơi khô, đối với tỏi nhiều nhánh, chúng tôi chiết xuất ra các loại siro, rượu tỏi, miến tỏi… Giá trị của củ tỏi đã được nâng lên 10 lần. Với tỏi một nhánh hay còn gọi là tỏi “cô đơn”, chúng tôi phân loại để sấy khô làm ra sản phẩm tỏi đen”.
Để tạo ra sản phẩm tỏi đen, sau khi tỏi được lựa xử lý kỹ, phơi khô, sàng lọc trước khi cho vào lò ủ. Dưới tác dụng của nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, bằng hệ thống cảm biến thông minh, trong thời gian 45-60 ngày, những củ tỏi đen được hình thành. Lúc này hàm lượng các chất dinh dưỡng trong tỏi đen cao gấp 8 đến 10 lần tỏi trắng, với giá bán lên đến gần một triệu đồng/kg. Quy trình sản xuất, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm đều đạt chuẩn, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả những thị trường khó tính như Pháp, Đức…
Không chỉ rượu, tỏi đen, các sản phẩm khác như miến tỏi, cao sắn dây, nước ép Thanh Long…, cũng là những nông sản được các doanh nghiệp Kinh Môn đầu tư kỹ thuật, hạ tầng máy móc để chế biến sâu, từ đó nâng cao giá trị nông sản, giúp bà con nông dân sản xuất ổn định và gia tăng thu nhập hằng năm.
Từ thực tiễn nêu trên, để nâng cao hệ số sử dụng đất thì ngoài thay đổi cách tiếp cận truyền thống trong phát triển nông nghiệp, cần chuyển từ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị; phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, dựa vào kỹ thuật và công nghệ, có năng suất và giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện để các hộ nông dân sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững, cải thiện chất lượng sản phẩm nông sản; hỗ trợ về hạ tầng sản xuất, tiếp cận khoa học-công nghệ; hỗ trợ tăng cường liên kết chuỗi giá trị và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Ý kiến ()