Hiệu quả kinh tế từ nuôi ngựa
– Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi như bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn dồi dào, không tốn nhiều công chăm sóc. Những năm qua, một số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vào chăn nuôi ngựa bạch và ngựa thường. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Trong 4 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, gia đình ông Hoàng Văn Hà, thôn Co Hương, xã Hữu Kiên duy trì nuôi 20 con ngựa gồm cả ngựa bạch và ngựa thường. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng. Ông Hà cho biết: Tôi nhận thấy việc chăn nuôi ngựa không tốn công chăm sóc, thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả cao. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tôi bán được 6 con ngựa giống loại 5 tháng tuổi với giá từ 25 triệu đồng đến 60 triệu đồng/con, tăng 10 triệu đến 20 triệu đồng/con so với năm 2021, tôi thu về hơn 180 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Người dân xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình chăm sóc ngựa
Ngoài hộ ông Hà, nhiều hộ khác trong huyện cũng đã đầu tư chăn nuôi ngựa. Đến nay, toàn huyện có hơn 2.700 con ngựa, tăng hơn 800 con so với năm 2019. Chi Lăng là huyện có phong trào chăn nuôi ngựa phát triển mạnh nhất trong tỉnh. Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Chi Lăng có tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai, nguồn thức ăn phong phú nên mấy năm gần đây, các hộ dân đã đẩy mạnh chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hóa. Mô hình này đang từng bước khẳng định là hướng đi đúng giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Không chỉ tại huyện Chi Lăng, nhiều hộ dân tại các huyện khác trong tỉnh cũng đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên để đầu tư chăn nuôi ngựa. Toàn tỉnh hiện có hơn 4.900 con, tăng 193 con (4,08%) so với cùng kỳ năm 2021. Đàn ngựa được nuôi chủ yếu tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, trong đó chủ yếu các hộ nuôi ngựa bạch. Hộ nuôi ít thì có 1 hoặc 2 con, hộ nuôi nhiều có đến hơn 20 con. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc chăn nuôi không tốn nhiều công chăm sóc, giá bán cao. Đối với ngựa bạch đem lại giá trị kinh tế cao, hiện con giống đủ trên 5 tháng tuổi sẽ có giá từ 25 triệu đến 60 triệu đồng/con, cao gần gấp đôi so với giá ngựa thường. Đối với ngựa bạch trưởng thành sẽ có giá từ 80 triệu đến 120 triệu đồng/con. Nhiều hộ nuôi từ 5 con ngựa bạch trở lên đạt thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên đến hơn 200 triệu đồng/năm.
Như hộ ông Hoàng Văn Mạch, thôn Đoàn Kết, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đầu tư nuôi ngựa từ năm 2011. Ông Mạch cho biết: Chăn nuôi ngựa khá nhàn, hiệu quả kinh tế cao, từ nuôi 2 con ngựa bạch ban đầu, đến nay, tôi đã tăng đàn lên 14 con gồm cả ngựa bạch và ngựa thường. Trung bình mỗi năm, tôi bán 3 con ngựa, đem lại thu nhập từ 80 triệu đến 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Để đàn ngựa trên địa bàn phát triển ổn định và tăng đàn, phòng chuyên môn của các huyện có tổng đàn ngựa lớn cũng đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trong đó, lồng ghép nội dung kỹ thuật chăn nuôi ngựa. Cùng với đó, các đơn vị liên quan cũng đã quan tâm hỗ trợ các hộ dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi ngựa. Ví dụ năm 2021, Hội Nông dân huyện Chi Lăng đã giải ngân 150 triệu đồng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho 5 hộ dân tại xã Hữu Kiên vay và Hội Nông dân huyện Hữu Lũng đã giải ngân 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho 10 hộ tại xã Hữu Liên vay để thực hiện dự án chăn nuôi ngựa sinh sản… Từ tháng 4/2021 đến nay, Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng (đơn vị chủ trì thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch tại tỉnh Lạng Sơn” thuộc chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2025) đã bàn giao 40 con ngựa bạch giống cho các hộ dân trong huyện; thực hiện hỗ trợ các hộ tham gia tiếp nhận và làm chủ được quy trình kỹ thuật về chọn lọc và nhân giống ngựa bạch, chăm sóc nuôi dưỡng ngựa bạch, phòng và trị bệnh cho ngựa bạch…
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thời gian qua, các hộ chăn nuôi ngựa đã quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc, phòng và trị bệnh cho đàn ngựa. Đặc biệt là các hộ đã biết trồng và chế biến thức ăn thô, xử lý chất thải trong chăn nuôi, giúp đàn ngựa sinh trưởng, phát triển tốt. Từ đó, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Thời gian tới, các đơn vị chuyên môn trong tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển chăn nuôi ngựa; hỗ trợ bà con áp dụng khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.
Ý kiến ()