Hiệu quả kinh tế từ na trái vụ
(LSO) – Bên cạnh vụ chính, người trồng na trên địa bàn tỉnh đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cây na “đơm hoa, kết trái”, thu hoạch 2 lần/năm/cây. Với giá bán cao và thị trường ổn định…, những quả na trái vụ đã và đang giúp người trồng na Xứ Lạng có thêm thu nhập.
Ông Nông Văn Lợi, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Năm 2007, sau khi học hỏi kỹ thuật ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, tôi nghiên cứu và thực hành làm na trái vụ. Từ đó đến nay, hằng năm, tôi đều duy trì làm từ 300 đến 1.000 cây để thu quả trái vụ. Năm nay, gia đình tôi làm 300 cây na trái vụ; trung bình mỗi ngày được thu từ 1,5 đến 2 tạ quả. Dự kiến cả vụ gia đình thu 6 tấn quả, thu nhập khoảng 160 triệu đồng.
Theo cách trồng truyền thống, na chỉ cho thu hoạch một vụ trong năm. Nhưng từ khi người trồng na đẩy mạnh thâm canh, ngắt lá, tỉa cành; thụ phấn chủ động thì cây na có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm. Nếu như thời điểm để thu hoạch na chính vụ là từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, thì na trái vụ sẽ cho thu từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12 (Dương lịch).
Người dân thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng thu hoạch na trái vụ
Các hộ gia đình làm na trái vụ cho biết: Bình quân mỗi cây na trái vụ cho thu từ 15 đến 20 kg quả. Với giá bán trung bình từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg, bà con sẽ có thu nhập khoảng 400 – 500 nghìn đồng/cây. Thậm chí có những thời điểm, na trái vụ có giá từ 40 đến 50 nghìn đồng/kg.
Được biết, từ năm 2007, người trồng na trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thực hành làm na trái vụ. Tuy nhiên, phải đến năm 2012, nhận thấy hiệu quả kinh tế, phong trào làm na trái vụ mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Từ đó đến nay, diện tích na trái vụ tăng đều qua các năm. Nếu như năm 2015, diện tích na trái vụ toàn tỉnh chỉ khoảng 70 ha thì năm 2018, đã tăng lên là 120 ha. Trong đó, huyện Chi Lăng trên 50 ha, còn lại là ở huyện Hữu Lũng.
Bà Nông Thị Sằm, thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Năm nay là năm thứ hai gia đình tôi làm na trái vụ khoảng 300 cây. Năm trước, khi chưa ứng dụng công nghệ vào chăm sóc na trái vụ, quả thường có nhiều sâu bệnh, mẫu mã xấu. Vụ năm nay, nhờ áp dụng kỹ thuật; tuân thủ quy trình sản xuất chuẩn nên chất lượng quả được đảm bảo hơn, giá bán được cao hơn.
Ngoài việc chăm sóc cây, hiện nay, ở các vườn na trái vụ, ngay từ khi quả có đường kính khoảng 2 – 3 cm, bà con đã dùng túi nilon để bọc quả nhằm hạn chế sâu bệnh, nâng cao chất lượng quả, đồng thời giữ mẫu mã quả sáng, đẹp tự nhiên..
Ông Vi Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Từ năm 2012, người dân trên địa bàn huyện bắt đầu làm na trái vụ. Ưu điểm lớn nhất của vụ này là thời tiết thuận lợi, ít mưa, ít sâu bệnh nên na có chất lượng ngon, ngọt hơn vụ chính. Vì vậy, huyện đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng bà con mở rộng diện tích na trái vụ ở các địa bàn phù hợp; tuân thủ nghiêm ngặt khâu chăm sóc theo quy trình VietGAP, sản xuất na an toàn để giữ vững nhãn hiệu, chất lượng của na.…
Để nâng cao năng suất, chất lượng cây na, nhất là na trái vụ, hằng năm, các cơ quan chuyên môn như: phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm khuyến nông các huyện trong vùng trồng na thường xuyên duy trì, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 60 cuộc tập huấn cho 2.500 lượt người về kỹ thuật trồng, chăm sóc na, lồng ghép hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc na trái vụ. Bên cạnh đó, ngành chức năng của tỉnh, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã thường xuyên kiểm tra tại các vườn na, đảm bảo yêu cầu sản xuất đúng quy trình, quy chuẩn… nhằm đưa tới tay người tiêu dùng những trái na đảm bảo an toàn với chất lượng tốt.
NGUYỄN PHƯƠNG - KIM HUYÊN
Ý kiến ()