Hiệu quả kinh tế từ mác mật
LSO-Ở Văn Lãng, mác mật là loại cây tương đối phổ biến. Thế nhưng để đưa cây mác mật trở thành cây hàng hóa thì có lẽ không nhiều gia đình làm được như gia đình ông Mông Văn Tranh, thôn Manh Dưới, xã Trùng Khánh.
LSO-Ở Văn Lãng, mác mật là loại cây tương đối phổ biến. Thế nhưng để đưa cây mác mật trở thành cây hàng hóa thì có lẽ không nhiều gia đình làm được như gia đình ông Mông Văn Tranh, thôn Manh Dưới, xã Trùng Khánh.
Bà Hoàng Thị Pử bên vườn mác mật của gia đình |
Hơn 20 năm gắn bó với cây mác mật, buồn có, vui có nhưng cho đến thời điểm này có thể khẳng định, cây mác mật đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng nhất của gia đình ông Tranh. Ông Tranh cho biết: khoảng năm 1992, gia đình ông đã bắt đầu trồng mác mật. Từ một vài cây đầu tiên trồng với mục đích để lấy lá và quả làm gia vị chế biến món ăn và lấy thân, cành làm củi đun. Thế rồi một số bà con hàng xóm nhà không có mác mật cũng sang xin nhà ông lá, quả để ăn. Mác mật nhà ông cây nào cây nấy xanh tốt, sai trĩu quả. Nhiều quá ăn không hết, lại thấy bà con hàng xóm thích quả và lá mác mật, bà Hoàng Thị Pử – vợ ông Tranh nghĩ đến việc mang ra chợ phiên ở thị trấn Na Sầm bán. Ai ngờ, khi mang ra chợ, có bao nhiêu quả, bao nhiêu lá cũng bán hết bấy nhiêu. Vậy là chỉ từ những cây mác mật ban đầu, gia đình ông Tranh quyết tâm đầu tư vốn liếng, công sức để cải tạo diện tích mấy quả đồi để trống của gia đình để tập trung trồng mác mật. Ông Tranh chia sẻ thêm: gia đình ông đã trồng một số loại cây ăn quả trước đó nhưng chưa thấy loại cây nào sinh trưởng và phát triển nhanh như cây mác mật. Bình thường mỗi cây thường cho thu hoạch quả sau 5 năm trồng thế nhưng mác mật nhà ông có khi chưa tới 4 năm đã cho thu hoạch. Cho đến năm 2000, đồi nhà ông Tranh đã có đến hàng trăm cây mác mật. Lúc này, vợ ông không cần phải mang ra chợ bán nữa mà tư thương ở các nơi đến tận nhà ông để thu mua. Không chỉ có tư thương người Việt mà cả tư thương người Trung Quốc cũng trực tiếp hoặc gián tiếp nhờ người dân địa phương thu mua quả mác mật với số lượng lớn. Thị trường tiêu thụ ổn định, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích và số lượng cây. Cho đến nay, diện tích trồng mác mật của gia đình ông đã lên tới 2ha với hàng trăm cây lớn nhỏ. Trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch được từ 6-8 tạ quả, năm nào được mùa còn lên tới cả tấn quả với giá bán từ 10.000-12.000 đồng/kg. Ngoài thu hoạch quả, gia đình còn thường xuyên bán lá, thậm chí là cả cành, thân những cây đã già. Bên cạnh mác mật, gia đình ông còn trồng thêm một số loại cây ăn quả khác như cam, quýt xen kẽ với những cây mác mật. Tổng thu nhập của gia đình trung bình hàng năm đạt từ 60-70 triệu đồng, trong đó thu nhập từ cây mác mật chiếm hơn một nửa. Thấy hiệu quả từ mô hình trồng mác mật của gia đình ông Tranh, nhiều hộ dân trong xã cũng đã đến xin giống về trồng. Ông Vy Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh cho biết: hiện trong xã cũng đã xuất hiện một số mô hình trồng mác mật theo hướng hàng hóa, trong đó đi đầu phải kể đến mô hình của gia đình ông Tranh. Mặc dù thu nhập từ mác mật chưa phải là quá cao nhưng đối với một xã biên giới còn nhiều khó khăn như Trùng Khánh thì phát triển cây mác mật cũng góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()