Hiệu quả kinh tế từ cải cách thủ tục hành chính
Cục trưởng Hải quan Bình Dương Nguyễn Phước Việt Dũng cho biết: Năm 2013, Bộ Tài chính giao cho Cục thu ngân sách 9.350 tỷ đồng. Nhưng cuối năm 2013, mức thu đã đạt 9.900 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng thu Ngân sách của tỉnh Bình Dương là 29.000 tỷ đồng và tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Chánh Văn phòng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thị Thu Hồng lý giải: Với 314 cán bộ, nhân viên mà làm thủ tục xuất nhập khẩu cho 4.348 doanh nghiệp, trong đó có 2.174 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, địa bàn tỉnh lại rộng, nếu không nhờ cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin và sự nỗ lực của toàn bộ cán bộ, nhân viên, khó có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách.
Tại Chi cục Hải quan ngoài khu công nghiệp, Chi cục trưởng Nguyễn Thế Vỵ cho biết: Dù số lượng tờ khai của doanh nghiệp tăng, nhưng đến nay 100% chi cục, 96% số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện thủ tục qua hải quan điện tử. Ngoài ra, việc đưa máy soi chiếu công-ten-nơ, vừa giảm thời gian, tránh gây phiền hà và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khẩn trương đưa nguyên liệu vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Chi cục trưởng Hải quan Sóng Thần Phạm Quốc Anh cho biết: Các thiết bị công nghệ thông tin vừa nhanh, gọn, hiệu quả, còn giảm nhân lực từ 40 người xuống còn 33 người, trong khi việc lại tăng lên. Việc cải cách thủ tục hành chính giúp chi cục rút bớt khoản chi phí tiền mua giấy, tiền thuê kho lưu trữ hồ sơ, giấy tờ và tiết kiệm được hơn 30 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, thông qua việc sử dụng hải quan điện tử, từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan Bình Dương đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ gian lận thương mại, trốn thuế… thu về hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Ngoài nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng triệt để kỹ thuật công nghệ thông tin trong làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, năm 2013, Cục Hải quan Bình Dương còn phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh; Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương; Hiệp hội Thương gia Đài Loan (Trung Quốc) tại Bình Dương; Câu lạc bộ xuất nhập khẩu Bình Dương; Cục Thuế tỉnh Bình Dương… tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, để giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc. Cục Hải quan Bình Dương phối hợp và cung cấp văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động hải quan, với các hiệp hội doanh nghiệp của các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… để các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Bình Dương biết và áp dụng.
Trao đổi ý kiến về những khó khăn trong công việc, Cục trưởng Hải quan Bình Dương Nguyễn Phước Việt Dũng khẳng định, công tác cải cách hành chính là khâu tất yếu để tăng nguồn thu ngân sách, nhưng vẫn có thể thu tăng cao hơn, nếu đơn vị chúng tôi quyết tâm tháo vài “nút thắt” và có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong cả nước. Chẳng hạn, cần có quy định doanh nghiệp ở địa phương nào thì làm thủ tục hải quan ở đó, một mặt vừa kiểm soát được nguồn hàng hóa xuất nhập, hạn chế gian lận thương mại, buôn lậu…, vừa thu được thuế; có chính sách đặc thù cho những ngành gia công hàng hóa như ngành may. Thí dụ, khi doanh nghiệp nhập nguyên liệu là vải, nếu lần nào cũng giám định, vừa tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, vừa mất thời gian cho cán bộ hải quan. Hơn nữa, trong khi nhập nguyên liệu gia công hàng xuất khẩu, một số mặt hàng phế liệu, nhưng vẫn còn giá trị sử dụng, có khi rất lớn. Theo quy định thì không được tiêu thụ trong thị trường nội địa và phải tiêu hủy, tuy nhiên việc này vừa tốn kém cho doanh nghiệp, lại lãng phí của cải xã hội.
Một vài mặt hàng như rượu, thuốc lá…, khi doanh nghiệp nhập về, quy định doanh nghiệp phải lưu tại cảng, điều này gây khó cho hoạt động thương mại, tăng phí lưu cảng và gây ách tắc cho các cảng. Chánh văn phòng Nguyễn Thị Thu Hồng còn băn khoăn: Để phù hợp chuẩn mực quốc tế, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt, cho phép các doanh nghiệp được gửi hàng ở các kho ngoại quan (trừ những mặt hàng cấm, hàng đặc biệt do Nhà nước quy định), để doanh nghiệp nhanh chóng đưa nguyên liệu vào sản xuất, đồng thời giảm tải hàng hóa lưu kho tại các cảng.
Mặt khác, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cần phối hợp chặt chẽ Cục Hải quan, để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp chuyển giá, nợ đọng thuế, ngừng hoạt động, bỏ trốn hoặc phá sản. Cục Hải quan Bình Dương cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, xem xét tính đặc thù tại tỉnh Bình Dương, với 28 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 9.000 ha, nơi tập trung hơn 2.000 doanh nghiệp nước ngoài, với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hơn 26 tỷ USD.Do đó, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp nhiều hơn, bền vững hơn cho sự phát triển của Bình Dương và của cả nước.
Theo nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()