Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nuôi dê ở Hữu Lũng
LSO-Cách đây khoảng 4-5 năm, khi nhắc đến phong trào phát triển chăn nuôi của huyện Hữu Lũng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến mô hình chăn nuôi gà thả đồi ở các xã: Đồng Tiến, Minh Tiến... hay phong trào chăn nuôi lợn ở các xã Hòa Lạc, Minh Sơn...
Nhưng hiện nay, đến huyện Hữu Lũng, câu chuyện về chăn nuôi được nhiều người nhắc đến không chỉ là chăn nuôi lợn hay gà nữa mà là phát triển kinh tế từ nuôi dê. Hiện Hữu Lũng là một trong những huyện có phong trào chăn nuôi dê phát triển mạnh nhất tỉnh với số lượng đàn dê lên đến trên 10.000 con.
Đàn dê gia đình anh Lương Văn Duy, thôn Bàng Trên, xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng |
Vài năm trở lại đây, chăn nuôi lợn sau khi hạch toán trừ các khoản chi phí người dân không có lãi, thậm chí có thời điểm bị lỗ. Trước thực tế trên, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã năng động chuyển đổi, mở rộng mô hình chăn nuôi. Thời gian đầu một số hộ ở các xã như Thiện Kỵ, Tân Lập… mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi dê của các địa phương khác về triển khai áp dụng tại xã cho thấy nơi đây rất thích hợp với chăn nuôi dê mà đầu ra lại tương đối thuận lợi. Chính vì vậy, phong trào chăn nuôi dê bắt đầu phát triển. Từ 1-2 xã lúc đầu chăn nuôi với quy mô chưa đến 1.000 con thì đến nay, toàn huyện đã có hơn 10 xã phát triển chăn nuôi dê với số lượng đàn dê năm 2013 đã tăng lên đến trên 8.600 con và hiện nay đàn dê đã tăng lên trên 10.000 con. Một số xã 2-3 năm trở lại đây luôn duy trì đàn dê từ 1.000 đến trên 2.000 con. Các xã có phong trào chăn nuôi dê phát triển mạnh như: Thanh Sơn, Đồng Tiến, Tân Lập, Thiện Kỵ…
Thời gian đầu, các hộ chỉ nuôi từ 30-50 con, nhưng 2-3 năm trở lại đây, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi từ 80-100 con. Nuôi dê từ 6-8 tháng là được xuất bán, tư thương đến tận nơi tìm mua. Đàn dê của bà con không chỉ được tiêu thụ ở trong huyện mà còn được mang đi tiêu thụ ở một số tỉnh lân cận. Ông Lương Văn Duy, thôn Bàng Trên, xã Thanh Sơn vui vẻ cho biết: Khi thấy nhiều gia đình trong xã phát triển chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, năm 2011, ông bắt đầu học tập kinh nghiệm chăn nuôi dê, lúc đầu chỉ nuôi trên 20 con. Các năm tiếp theo ông mạnh dạn nuôi 80 con/năm. Khi được xuất chuồng, tư thương đến tận nhà đặt mua. Sau khi xuất bán đàn dê ông thu được 100 triệu đồng.
Ông Lương Văn Bính, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Hữu Lũng có nhiều xã vừa có núi đá, núi đất vừa có lân lũng, đồng cỏ… rất phù hợp với phát triển chăn nuôi dê. Bà con nông dân chăn thả đàn dê trên các sườn đồi, núi, lân lũng, buổi tối kết hợp cho ăn thêm cỏ và cám. Đàn dê thường hay mắc một số bệnh như: lở mồm, tụ huyết trùng, đậu mùa…Vì vậy, khi phong trào chăn nuôi dê phát triển mạnh, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê cho bà con nông dân… Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm Phòng Nông nghiệp đều phối hợp với các xã tổ chức được hơn 10 lớp tập huấn lồng ghép về cách thức, kỹ thuật chăn nuôi dê cho bà con nông dân. Năm 2013, Phòng còn phối hợp với UBND xã Thanh Sơn mở một lớp tập huấn chuyên về chăn nuôi dê cho bà con nông dân. Vì vậy, mặc dù phong trào chăn nuôi dê phát triển mạnh nhưng không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Phong trào chăn nuôi dê phát triển mạnh đã góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Nhiều hộ sau khi trừ chi phí đã đạt mức thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm. Các xã có phong trào chăn nuôi dê phát triển mạnh đã có gần 100 hộ đạt mức thu nhập 100 triệu đồng/năm, đời sống của bà con nông dân được cải thiện rõ rệt. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Hữu Lũng tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi của huyện để phát triển chăn nuôi dê. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi dê cho bà con nông dân. Góp phần duy trì, phát triển chăn nuôi dê bền vững, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
ĐỨC ANH
Ý kiến ()