Hiệu quả “kép” trong một kỳ thi
Điểm thi và phân tích phổ điểm phù hợp với bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng cũng đủ phân hóa để các cơ sở giáo dục đại học làm căn cứ xét tuyển. Đó là những kết quả mà kỳ thi tốt nghiệp THPT đem lại sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công bố kết quả điểm thi và phổ điểm thi ngày 26/7.
Phù hợp với bản chất kỳ thi
Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy, tổng số 9 môn thi có 1.280 điểm thi thấp hơn hoặc bằng 1; 24.318 điểm 10. Trong đó, môn Lịch sử có số điểm thi thấp hơn hoặc bằng 1 nhiều nhất gồm 540 điểm. Trong khi đó, môn Giáo dục công dân có số điểm 10 nhiều nhất 18.680 điểm. Điểm thi trung bình của các môn từ 4,97 đến 8,37.
Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT) Mai Văn Trinh, qua phân tích điểm thi cho thấy phổ điểm các môn thi năm nay so với năm 2020 về cơ bản không thay đổi. Điều đó cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 về cơ bản ổn định như năm 2020 và sát với bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặt khác, phân tích phổ điểm cũng cho thấy đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình nhưng vẫn có sự phân hóa phù hợp. Kết quả thi năm nay phản ánh khách quan chất lượng dạy học của học sinh giữa các vùng miền. Những địa phương có truyền thống, có điều kiện dạy học tốt thì kết quả thi cao hơn những địa phương còn khó khăn. Mặt khác, về chất lượng dạy học, việc đối sánh sự chênh lệch giữa đánh giá học bạ và điểm thi cho thấy có sự chênh lệch. Tuy nhiên, chênh lệch là không nhiều, tức là trong dạy học, đánh giá thường xuyên của các địa phương đã phù hợp hơn. Nhiều môn, nhiều địa phương kết quả đánh giá trong học tập khá sát với điểm thi.
Điểm đáng chú ý là kết quả thi môn Giáo dục công dân có số điểm cao dẫn đầu là kết quả thú vị. Theo Cục trưởng Mai Văn Trinh, thực hiện đổi mới, nhiều năm qua, ngành giáo dục dạy học theo định hướng hình thành phẩm chất năng lực. Công tác giáo dục đạo đức, pháp luật trong nhà trường được nâng cao. Trong khi đó, đề thi không nặng vào việc yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc mà tăng cường câu hỏi vận dụng pháp luật, gắn liền với những gì diễn ra trong đời sống xã hội. Vì vậy, bằng phương pháp vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống giải quyết vấn đề, nhiều học sinh vận dụng xử lý được vấn đề đặt ra. Điều đó cho thấy, việc dạy học, ra đề theo hướng vận dụng kiến thức vào cuộc sống là một định hướng đúng.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình (Thái Bình) cho rằng: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho thấy sự thành công của kỳ thi. Qua kết quả kỳ thi cũng cho thấy việc dạy học ở trường THPT hiện nay cần tập trung dạy đều tất cả các môn chứ không nên dạy, học lệch đối với môn nào sẽ hạn chế được môn có nhiều điểm thấp, môn có nhiều điểm cao.
Tạo cơ hội cho tuyển sinh đạt hiệu quả
Mặc dù là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng kết quả kỳ thi cũng được phần lớn các trường đại học, cao đẳng sử dụng làm căn cứ để xét tuyển. Theo Bộ GD và ĐT, phân tích phổ điểm đối với các tổ hợp xét tuyển truyền thống cho thấy điểm trung bình có tăng nhẹ. Tuy nhiên, độ phân hóa rất tốt, hỗ trợ thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả để tuyển sinh, kể cả trường tốp cao. Việc dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thuận lợi.
TS Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội cho biết, qua phân tích phổ điểm một số khối thi truyền thống, điểm trung bình các tổ hợp: Toán – Lý – Hóa là 19,8 điểm; Toán – Hóa – Sinh là 18,75 điểm; Ngữ văn – Lịch Sử – Địa lý là 18,4 điểm; Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh là 18,92 điểm. Như vậy, năm nay, điểm chuẩn xét tuyển có thể cao hơn một chút nhưng không nhiều. Với phổ điểm năm 2021 cho thấy lượng thí sinh giải tương đối đều ở các khối ngành. Như vậy, thị phần cho các phân khúc khác nhau của các trường tốp trên, tốp giữa, tốp dưới đều rất rõ sẽ không gây khó cho việc xét tuyển.
PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) nhìn nhận, phổ điểm cho công tác tuyển sinh năm 2021 khá thuận lợi, không có thay đổi nhiều so với năm 2020. Điểm thi năm 2021 tương đối cao nhưng có sự phân hóa. Mặc dù dịch Covid-19 phức tạp nhưng quá trình tổ chức thi tốt mang lại kết quả phù hợp thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học. Riêng môn tiếng Anh phổ điểm hơi khác biệt so với những năm trước, có chiều hướng tăng lên, phản ánh rõ xu hướng thí sinh đã đầu tư nhiều vào việc học tập môn học này. Vì vậy, những tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh có thể tăng lên tùy từng trường, từng ngành có thể biến động nhẹ so với những năm trước. Tuy nhiên nhìn chung phổ điểm cho thấy sự ổn định trong điểm thi, tạo cơ hội tốt cho các trường xét tuyển và cũng là cơ hội tốt cho thí sinh lựa chọn ngành nghề đăng ký xét tuyển. Đối với thí sinh khi đã biết điểm thi nên so sánh với mức điểm xét tuyển của năm 2020 để tính toán đăng ký, thay đổi nguyện vọng xét tuyển trong thời gian tới. Thí sinh nên đăng ký xét tuyển theo ba nhóm lựa chọn là nhóm ngành có điểm chuẩn cao hơn, ngang bằng và thấp hơn điểm thi; ngành học nào thích yêu thích nhất thì đăng ký vào nguyện vọng 1; tăng nguyện vọng đăng ký ở nhiều trường khác nhau. “Kết quả thi năm nay sẽ giúp thí sinh và các nhà trường yên tâm, dù dịch bệnh có phức tạp nhưng công tác thi, tuyển sinh vẫn luôn được bảo đảm tốt” – PGS, TS Bùi Đức Triệu nhìn nhận.
Ý kiến ()