Hiệu quả hợp tác đầu tư trên đất nước Cam-pu-chia
Sau ba năm với tinh thần vượt khó, nghiêm túc, quyết liệt của các doanh nghiệp Việt Nam cùng với sự hỗ trợ ủng hộ của Chính phủ, bộ, ngành hai nước, hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch Việt Nam - Cam-pu-chia đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hai nước. Trong năm 2012, là năm cả hai nước kỷ niệm trọng thể 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và được Chính phủ hai nước thống nhất lấy làm "Năm hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia", kết quả ba năm hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vào Cam-pu-chia của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam (AVIC) là một trong những điểm sáng chào mừng sự kiện này.Đầu tư và thương mại có tốc độ phát triển nhanhTheo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến năm 2010, Việt Nam mới có 41 dự án đầu tư trực tiếp vào Cam-pu-chia với tổng vốn đầu tư 566 triệu USD. Năm 2011, Việt Nam có 90 dự án đầu tư tại Cam-pu-chia...
Đầu tư và thương mại có tốc độ phát triển nhanh
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến năm 2010, Việt Nam mới có 41 dự án đầu tư trực tiếp vào Cam-pu-chia với tổng vốn đầu tư 566 triệu USD. Năm 2011, Việt Nam có 90 dự án đầu tư tại Cam-pu-chia với số vốn đầu tư gần hai tỷ USD. Năm 2012, mặc dù chịu tác động từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới, số dự án đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng, đưa tổng số dự án đầu tư của Việt Nam lên 124 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 2,5 tỷ USD, thuộc nhóm năm nhà đầu tư lớn nhất tại Cam-pu-chia. Cam-pu-chia là nước đứng thứ 2/50 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam (sau thị trường Lào).
Trong 11 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Cam-pu-chia đạt 2,95 tỷ USD và cả năm 2012 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2011 (2,83 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Cam-pu-chia sang Việt Nam đạt 420 triệu USD (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2011); kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cam-pu-chia đạt 2,52 tỷ USD (tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2011), giữ vị trí số hai trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Cam-pu-chia.
Năm 2010, lượng khách du lịch Việt Nam sang Cam-pu-chia là 450.000 người (tăng gần 50% so với năm 2009). Năm 2011, con số này là 600.000 lượt người, tăng 34%. Trong mười tháng đầu năm 2012, có 638.000 lượt khách du lịch Việt Nam đến Cam-pu-chia (tăng 24% so với cùng kỳ và lớn hơn 6,3% so với cả năm 2011, chiếm 22,3% lượng khách du lịch quốc tế đến Cam-pu-chia), Dự báo năm 2012 sẽ đạt hơn 750.000 lượt khách, tăng 25% so với năm 2011.
Việt Nam tiếp tục đứng đầu về lượng khách du lịch đến Cam-pu-chia, xếp trên Hàn Quốc (337.000 lượt khách), Trung Quốc (265.000 lượt khách)…
Kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hai nước tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Cam-pu-chia
Tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã ghi nhận và biểu dương hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam về kết quả đạt được trong hoạt động đầu tư và an sinh xã hội, nhưng cần cố gắng làm tốt hơn để tương xứng tiềm năng, lợi thế quan hệ chính trị tốt đẹp và mong muốn của nhân dân, doanh nghiệp hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đầu tư, thương mại, tập trung vào các lĩnh vực hai nước có nhu cầu hợp tác, Cam-pu-chia có tiềm năng và Việt Nam có thế mạnh như: viễn thông, hàng không, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng, phát triển hạ tầng, du lịch thương mại, tài chính ngân hàng, sản xuất và chế biến nông sản, lâm nghiệp, nhất là trồng và chế biến cao-su… cần xây dựng hệ thống phân phối và tiêu thụ một số sản phẩm quan trọng…
Các dự án được cấp phép, các ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư đã được các doanh nghiệp triển khai một cách nghiêm túc, quyết liệt; các thỏa thuận tài trợ vốn giữa ngân hàng (BIDV và BIDC) với các doanh nghiệp đã được hai bên khẩn trương phối hợp thực hiện và được các ngân hàng tài trợ vốn. Một số dự án đã được đưa vào khai thác sử dụng như: Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, Nhà máy sản xuất phức hợp đường, cồn, điện; Nhà máy sản xuất Phân bón Năm Sao; các dự án trồng cây công nghiệp đang triển khai tốt: Tổng số trồng mới trong ba năm xấp xỉ 79.856 ha cao-su và 2.000 ha cọ; Tập đoàn Cao-su (đã trồng 66.000 ha/100.000 ha); Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (đã trồng 7.405 ha cao-su/28.173 ha được cấp và 2.000 ha cọ/9.470 ha được cấp); Tổng công ty 15 (2.851 ha cao-su/15.084 ha), Công ty Trần Thái (3.600 ha cao-su/7.000 ha)… và các dự án khác cũng đang được triển khai mạnh mẽ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hai nước, doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai các dự án quyết liệt, đúng tiến độ cam kết đi vào sử dụng trong ba năm, đã đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế của Cam-pu-chia (khoảng 5% GDP), đóng góp vào thu ngân sách Cam-pu-chia hàng trăm triệu USD và tạo việc làm cho hơn 30 nghìn lao động của Cam-pu-chia, tăng lượng khách du lịch của Cam-pu-chia (bình quân 22%/năm). Trong tương lai, các dự án trồng cây cao-su, khai khoáng, nhà máy sản xuất đường-cồn-điện 2 đi vào hoạt động và thu hoạch sẽ góp phần tăng thu quốc dân hơn ba tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn tám mươi nghìn lao động, tăng thu ngân sách cho Cam-pu-chia khoảng 300 triệu USD.
Những vướng mắc, hạn chế và định hướng đầu tư thương mại, du lịch
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Cam-pu-chia Trần Bắc Hà: “Sau ba năm triển khai công tác xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch vào Cam-pu-chia theo chỉ đạo của Thủ tướng hai nước. Hiện vẫn còn những vấn đề bất cập từ hai phía: Hai nước chưa có cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát các lĩnh vực cần ưu tiên để thúc đẩy và đưa hoạt động đầu tư vào chương trình hợp tác trọng điểm; chưa có sự phối hợp để có chế độ cho người lao động Việt Nam sang làm việc tại Cam-pu-chia như tiền lương, chế độ bảo hiểm, phúc lợi…; các quy định về thủ tục hải quan ở hai nước chưa thống nhất. Hạ tầng giao thông tại các cửa khẩu còn kém phát triển”.
Dưới sự hỗ trợ của AVIC, nhìn chung các dự án đầu tư của các hội viên tại Cam-pu-chia đều được triển khai đúng tiến độ, đồng bộ theo đúng cam kết với Chính phủ Cam-pu-chia góp phần đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của các doanh nghiệp Việt Nam tại Cam-pu-chia.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam sang Cam-pu-chia với sự đóng góp tích cực của BIDV (trên cương vị Chủ tịch AVIC) đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ, từng bước nâng quan hệ kinh tế giữa hai nước tương xứng với quan hệ chính trị, đưa quan hệ hợp tác hai nước sang một giai đoạn mới mang tính sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực theo đúng chủ trương, định hướng của hai nước.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư vào Cam-pu-chia Trần Bắc Hà cho biết: “Phát huy các kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hai nước, và thông cáo chung giữa hai Chính phủ; trong thời gian tới, AVIC và các doanh nghiệp Việt Nam đề ra định hướng hoạt động đến năm 2015 như sau: Tập trung đẩy mạnh tiến trình đầu tư một cách có hiệu quả theo phương châm: “Lời hứa đi đôi với việc làm”, xây dựng hình ảnh và uy tín với Chính phủ, nhân dân Cam-pu-chia. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch của Việt Nam sang Cam-pu-chia, phấn đấu đến năm 2015: đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Cam-pu-chia đạt từ 4 đến 4,2 tỷ USD, kim ngạch thương mại hai chiều đạt năm tỷ USD và du lịch tăng trưởng hơn 30%/năm”.
Để đạt được các mục tiêu trên, AVIC sẽ ưu tiên mở rộng hoạt động của các ngân hàng Việt Nam tại Cam-pu-chia trong việc tăng cường nguồn lực tài chính và mạng lưới để tạo điều kiện cung ứng vốn và cung cấp dịch vụ thanh toán thuận lợi cho các doanh nghiệp. Kêu gọi các doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực như: sản xuất và chế biến lúa gạo (góp phần đạt mục tiêu xuất khẩu một triệu tấn gạo vào năm 2015); trồng và chế biến nông sản; sản xuất phân bón, máy nông cụ…; nuôi trồng và đánh bắt thủy sản…
Nhằm mục tiêu gắn kết các hoạt động đầu tư tại Cam-pu-chia, AVIC đã tham gia nhiều chương trình an sinh xã hội như: tài trợ xây dựng trường học khu vực Biển Hồ; hỗ trợ xây dựng Trường học cấp 3 Om Ba-chóc, Trường đào tạo nghề cho học viên nữ, Trường mầm non cho Thủ đô Phnôm Pênh; hỗ trợ nguồn kinh phí cho Hội Chữ thập đỏ Cam-pu-chia; trao tặng máy tính, trang bị cơ sở vật chất cho một số trường học, cơ sở y tế, tặng quà cho trại trẻ mồ côi, tàn tật, tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục thiên tai.
Đến nay, tổng số tiền đã thực hiện và cam kết an sinh xã hội tại Cam-pu-chia của các doanh nghiệp Việt Nam (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Golf Long Thành, Công ty Mai Linh, Tập đoàn Than – Khoáng sản, Công ty Phân bón Năm Sao…) lên tới hơn 30 triệu USD, ghi dấu ấn và chiếm được cảm tình từ phía Chính phủ Cam-pu-chia và trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam sang Cam-pu-chia thời gian qua, AVIC đã kêu gọi vận động các doanh nghiệp Việt Nam tài trợ an sinh xã hội cho Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia. Với tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, các doanh nghiệp Việt Nam đã trao các khoản trợ giúp về an sinh xã hội với tổng số tiền hơn 7,1 triệu USD và 800 máy thu hình cho các cơ sở và người dân ở Cam-pu-chia, v.v.
Theo Nhandan
Ý kiến ()