Hiệu quả hoạt động của các trung tâm quản lý cửa khẩu
LSO- Lạng Sơn là tỉnh biên giới, có các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc, để phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu, ngày 1/5/2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định thành lập các Trung tâm Quản lý cửa khẩu Chi Ma, Hữu Nghị-Bảo Lâm, Tân Thanh-Cốc Nam. Từ khi thành lập đến nay, các trung tâm đã phát huy được hiệu quả, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cửa khẩu.
Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Hữu Nghị cho biết: khi chưa thành lập Trung tâm Quản lý cửa khẩu Hữu Nghị, Chi cục Hải quan Hữu Nghị được giao làm trưởng cửa khẩu, do phải vừa làm công tác chuyên môn, vừa phải điều tiết, quản lý hoạt động khu vực cửa khẩu được giao nên còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các hoạt động chỉ mang tính đơn thuần là hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa, chưa phát huy được hết tiềm năng thế mạnh của kinh tế cửa khẩu. Từ tháng 5/2012, sau khi Trung tâm Quản lý cửa khẩu Hữu Nghị được thành lập và đi vào hoạt động, khu vực cửa khẩu đã có chuyển biến tích cực, các hoạt động diễn ra theo hướng chuyên môn hóa, ngoài hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa thì thương mại – dịch vụ phát triển rõ nét, thu hút được nhiều các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu qua địa bàn. Theo ông Bộ, việc thành lập trung tâm quản lý cửa khẩu thực sự đem lại chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế cửa khẩu.
Đường vào Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị ngày càng khang trang
Khi chưa thành lập các trung tâm quản lý cửa khẩu, các công việc liên quan phải đưa về Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn để giải quyết. Hoặc các vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư,… các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thông qua các sở, ngành để nắm bắt thông tin. Vì vậy, sau khi thành lập, tại mỗi trung tâm đều có các phòng chuyên môn (gồm: phòng hành chính – tổng hợp, phòng quản lý quy hoạch – đầu tư, phòng thương mại – dịch vụ) đã giải quyết trực tiếp các vấn đề tại khu vực cửa khẩu.
Ông Lý Văn Khi, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh-Cốc Nam cho biết: từ khi thành lập đến nay, trung tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong khu cửa khẩu. Hằng tháng, quý tổ chức và chủ trì các hội nghị giao ban với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; chủ trì, điều hành giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý hành chính, trật tự, an toàn xã hội;… góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua địa bàn. Ngoài ra, trung tâm thực hiện quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật; tổ chức ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố hư hỏng, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật được giao;… Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư vào khu cửa khẩu; cung ứng các dịch vụ hỗ trợ tư vấn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua khu cửa khẩu;… Qua đó góp phần thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, thương mại, dịch vụ khu cửa khẩu.
Theo thống kê, hằng năm, khu kinh tế cửa khẩu thu hút được gần 2.300 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng tăng, trong 3 năm (2011-2013) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 5,6 tỷ USD, năm 2014 đạt trên 3,25 tỷ USD (tăng 52% so năm 2013). Dự ước trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,850 tỷ USD, tăng 22% so cùng kỳ năm 2014.
Ông Trần Tiến Minh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cho biết: các trung tâm quản lý cửa khẩu đã phát huy được vai trò chủ trì, điều hành giải quyết những vấn đề thuộc các lĩnh vực quản lý hành chính, trật tự, an toàn xã hội; quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng, quản lý đất đai, môi trường; quản lý dự án sau cấp chứng nhận đầu tư; vệ sinh, môi trường, đối ngoại và công tác đảm bảo cho các hoạt động tại cửa khẩu. Phối hợp thống nhất hoạt động của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện giao thông vận tải qua cửa khẩu. Qua đó, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định và trật tự an toàn xã hội khu vực cửa khẩu biên giới.
Bài, ảnh: ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()