Hiệu quả giảm nghèo ở Quyết Thắng
– Thời gian qua, từ việc triển khai đồng bộ các biện pháp, chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
Xã Quyết Thắng hiện có 8 thôn với 5.055 nhân khẩu, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, toàn xã có trên 3.600 ha đất lâm nghiệp, nhiều đồng cỏ, bãi chăn thả rộng lớn. Đây là lợi thế để xã phát triển những mô hình sản xuất như: trồng rừng, chăn nuôi trên địa bàn.
Người dân thôn Kép 3, xã Quyết Thắng chăm sóc đàn bò
Cùng với những lợi thế trên, từ năm 2018 đến nay, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đồng thời, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình nông thôn mới, chương trình 135, xã đã thực hiện hỗ trợ người dân phân bón, tập huấn, hướng dẫn người dân mở rộng phát triển các mô hình như: trồng keo (hơn 200 ha), bạch đàn (120 ha), trồng măng bát độ (40 ha)… với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng.
Cùng đó, trong năm 2020, xã lựa chọn 35 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò (gần 15 triệu đồng/con) để phát triển chăn nuôi. Từ mô hình này người dân đã có thêm sinh kế, đầu tư mở rộng tăng đàn bước đầu mang lại hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp 23 hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ vươn lên khá.
Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, chính quyền xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, đặc biệt là vay theo Nghị quyết số 08/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, từ khi triển khai đến nay, xã đã phối hợp thực hiện giải ngân được 6 dự án với số tiền 3,1 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án phát triển chăn nuôi và trồng rừng.
Là một trong những hộ tiên phong trồng rừng mang lại thu nhập cao trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Đồng Xe cho biết: Nhận thấy diện tích đất đồi bỏ hoang rất lãng phí, năm 2000 tôi bàn với gia đình trồng trên 1.000 cây bạch đàn mô. Sau 5 năm, rừng bạch đàn cho khai thác, gia đình thu về trên 70 triệu đồng. Nhận thấy trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2006 đến nay, gia đình đã tích cực mở rộng diện tích. Tháng 5/2021, gia đình làm hồ sơ vay vốn theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Đến nay, gia đình đã được giải ngân 200 triệu đồng để mở rộng trồng rừng, nâng diện tích rừng trồng của gia đình lên 4 ha. Hiện gia đình đã thoát nghèo.
Bên cạnh chú trọng hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, từ năm 2015 chính quyền xã quan tâm thành lập các hợp tác xã (HTX), qua đó tạo liên kết tiêu thụ các sản phẩm. Hiện nay trên địa bàn xã đã thành lập HTX Sản xuất và Cung ứng dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng (năm 2015) liên kết với các doanh nghiệp thu mua và sơ chế sản phẩm măng Bát Độ của bà con mang lại doanh thu trên 300 triệu đồng/năm và HTX Vietnam Napro (năm 2020) liên kết với người dân trồng giống ngô bản địa để sản xuất mì ngô bán trong chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch tại nhiều tỉnh thành trên cả nước với doanh thu trên 700 triệu đồng/năm. Qua đó, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ông Lại Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết: Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xã xây dựng dự án cụ thể, trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển những mô hình kinh tế khai thác thế mạnh địa phương. Cùng đó, hằng năm, xã tổ chức trung bình từ 3 hoặc 4 lớp tập huấn hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn xã hiện có khoảng 30 mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của xã đã đạt được những kết quả nổi bật; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 còn 22,6%, giảm 27,3% so với năm 2016. Đây là động lực quan trọng để cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục nỗ lực giảm nghèo trong thời gian tới.
Ý kiến ()