Hiệu quả đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
(LSO) – Sau 4 năm thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 – 2020”, tại Lạng Sơn, hầu hết trẻ DTTS đến trường đều được tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng độ tuổi theo quy định; chất lượng học tập của trẻ em, học sinh DTTS ngày càng chuyển biến tích cực.
Toàn tỉnh hiện có 234 trường mầm non và 262 trường có lớp tiểu học. Theo thống kê của ngành giáo dục, học sinh là người DTTS luôn chiếm khá cao với hơn 80%. Bởi vậy, để đảm bảo trẻ mầm non và học sinh tiểu học là người DTTS có đủ kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục, tạo tiền đề để các em học tập, tiếp thu kiến thức ở các cấp học tiếp theo, từ năm học 2016 – 2017, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai đề án Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2025”.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn tham gia tiết đọc tại thư viện trường
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 45% trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 99% trẻ em DTTS độ tuổi mẫu giáo được huy động ra lớp và được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; 100% trẻ DTTS trong các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở tiếp tục được tăng cường tiếng Việt.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; tập huấn cho giáo viên tiểu học về nội dung, kỹ năng, phương pháp tăng cường tiếng Việt phù hợp với trẻ em vùng DTTS. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở đào tạo trong tỉnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ giáo viên tại vùng có DTTS của tỉnh. Cùng đó, chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Ngoài ra, ngành giáo dục tỉnh đã chú trọng bổ sung trang thiết bị dạy học cho các trường vùng khó khăn, trường tập trung nhiều học sinh DTTS nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học tăng cường tiếng Việt.
Từ năm học 2016 – 2017 đến nay, Sở GD&ĐT đã cấp phát 458 bộ đồ dùng dạy viết chữ thường và chữ số dành cho giáo viên tiểu học; cấp 8.563 bộ đồ dùng thực hành Toán, Tiếng Việt lớp 1 dành cho học sinh; cấp 7.716 bộ tài liệu Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 thuộc các trường vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, sở còn cung cấp tài liệu, học liệu cho trẻ như: bút, vở, thẻ chữ cái, đặc biệt là vở “Làm quen với chữ cái” dành cho trẻ 5 tuổi; hướng dẫn các trường tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt theo bộ sách mới “Em nói tiếng Việt” do Bộ GD&ĐT ban hành. Bộ sách dành cho học sinh lớp 1 có 45 bài, tập trung ở các chủ điểm như: Trường học của em; Gia đình của em; Thế giới xung quanh em; Em tham gia giao thông; Bản làng của em… và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Cô Đàm Minh Phước, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho hay: Trên cơ sở đề án, nhà trường đã xây dựng môi trường học tăng cường tiếng Việt với hình thức, các hình ảnh chữ viết được trang trí ở các hành lang, trong lớp học, ký hiệu đồ chơi, ký hiệu đồ dùng cá nhân của trẻ, tận dụng các mảng tường để cho trẻ làm quen chữ cái tiếng Việt như: đọc, tô, nối, tìm chữ cái còn thiếu… Cùng đó, kết hợp hướng dẫn cha mẹ học sinh phương pháp giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt tại gia đình; thường xuyên theo dõi, lắng nghe phát âm của học sinh để phát hiện lỗi và trực tiếp hướng dẫn các em cách phân biệt, sửa lỗi.
Từ sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của ngành giáo dục và việc thực hiện nghiêm túc của các đơn vị trường học trên địa bàn, sau 4 năm triển khai đề án, chất lượng học tiếng Việt của trẻ em, học sinh DTTS trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực. Theo thống kê hằng năm, 100% trẻ DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non đều được tăng cường tiếng Việt, có trên 99% trẻ mầm non ra lớp được đánh giá đạt mục tiêu phát triển ngôn ngữ theo độ tuổi; 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra trường nhận biết và phát âm đúng các chữ cái tiếng Việt. Đối với cấp tiểu học, từ năm học 2016 – 2017 đến nay, hằng năm, tỉ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn Tiếng Việt luôn đạt trên 99%.
Ý kiến ()