Hiệu quả của những giải pháp tốt
LSO-Thực hiện các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh là một trong những thành tựu nổi bật của ngành y tế Lạng Sơn trong hơn 1 năm qua.
Điều dưỡng viên Khoa Nội I, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân |
Những bàn tay vàng và trái tim nhân hậu
Bị tai nạn giao thông và được Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn cứu chữa kịp thời, sau 1 tuần điều trị, anh Ashley, 27 tuổi, bệnh nhân người Úc đã ra viện ngày 22/8/2016 trong tình trạng sức khỏe tốt. Người cha của anh đã viết thư cám ơn như sau: “…Chúng tôi rất ấn tượng với sự chuyên nghiệp của các bạn. Chúng tôi vô cùng biết ơn lòng nhân ái của các bạn. Điều này đã giúp Ashley vui vẻ vượt qua nỗi đau, đó là điều rất quan trọng. Tại sao chúng tôi lại ca ngợi các bạn có một công việc tuyệt vời như vậy? Ashley và tôi có thể nhìn thấy bệnh viện các bạn ứng xử với rất nhiều người. Khối lượng công việc là rất lớn và các nhân viên đã tận tình tâm huyết với nghề…”
Ngày 16/9/2016, tiếp nhận một sản phụ mang thai 35 tuần tuổi bị hội chứng HELLP (biến chứng sản khoa nguy hiểm) từ Bình Gia chuyển lên. Bệnh viện đã tiến hành cấp cứu kịp thời, chuyển lên bệnh viện Bạch Mai an toàn. Sau 1 tuần lại tiếp nhận lại và cứu chữa thành công. Ngày 12/10/2016, bệnh viện đã cấp cứu thành công cho trường hợp sản phụ Hứa Thị T, xã Song Giang, huyện Văn Quan bị hội chứng “rau tiền đạo cài răng lược”- một ca cấp cứu sản khoa cực kỳ nguy hiểm…
Đó là những ca bệnh trong hàng ngàn ca bệnh mà BVĐK tỉnh đã thực hiện và nhận được phản hồi tích cực từ phía bệnh nhân và người nhà của họ. Bác sĩ Phan Thanh Huy, Giám đốc bệnh viện cho biết: Trong cơ chế “mở” hiện nay, việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và đổi mới phong cách ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh là 2 khâu “then chốt” quyết định sự tồn tại của bệnh viện. Trong hơn 1 năm qua, hệ y tế điều trị Lạng Sơn đã có những chuyển biến quan trọng. Tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật chuyên sâu vượt tuyến đạt 56%. Việc thực hiện Đề án 1816 về hỗ trợ chuyên môn giữa các tuyến đã trở thành việc làm thường xuyên. BVĐK tỉnh đã thành lập Phòng Công tác xã hội, các Trung tâm y tế thành lập tổ công tác xã hội; bộ phận này đã trở thành cầu nối giữa bệnh nhân, người nhà của họ với bệnh viện.
Kiên trì đổi mới quy trình và giảm tải
Sự thông tuyến kỹ thuật giữa các tuyến công lập, giữa công lập và ngoài công lập là một giải pháp hữu hiệu để giảm tải cho các bệnh viện công. Năm 2016, với trên 15 ngàn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, Phòng khám Đa khoa số 2 Nguyễn Du, phường Đông Kinh và một số phòng khám khác trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã thực sự “đỡ gánh” cho các bệnh viện công. Các bệnh viện huyện sau nâng cấp mở rộng đã kê thêm các giường bệnh thỏa mãn nhu cầu của người bệnh. Thống kê của ngành y tế cho biết, nếu trước đây tình trạng nằm ghép 2-3 bệnh nhân/giường khá phổ biến, thì nay với số giường bệnh tăng thêm tại các bệnh viện huyện và các bệnh viện tỉnh, tình trạng nằm ghép đã được chấm dứt, nếu có chỉ là ghép tạm thời trong 24 giờ.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại quy trình khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tạo thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân đã mang lại hiệu quả tốt. Bác sĩ Trần Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng cho biết: Việc đổi mới quy trình, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân kết hợp với sự làm việc có hiệu quả năng động của đội ngũ nhân viên công tác xã hội đã có tác động lớn đến tâm tư tình cảm của người dân khi đến bệnh viện. Tại BVĐK Lạng Sơn, nếu trước đây người dân phải mất cả buổi mới hết quy trình khám, thì nay quy trình giảm còn 6 bước; hệ thống phát số tự động và hướng dẫn của nhân viên y tế, người nhanh nhất là 39 phút và lâu nhất là 159 phút.
Sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu; đổi mới phong cách phục vụ, tăng cường kỹ thuật, đổi mới quy trình, giảm tải bệnh viện là những giải pháp cụ thể. Tuy việc thực hiện còn ở mức độ khác nhau tại các bệnh viện, song nhìn chung nó đã có những tác động tích cực, làm thay đổi cách nhìn nhận của người dân vào các bệnh viện công.
MINH HỒNG
Ý kiến ()