Hiệu quả của một chính sách lớn
Giờ đọc sách của học sinh Trường PTDT bán trú xã Thiện Long (Bình Gia) |
Khi người dân tiếp cận chính sách
Trước đây, việc huy động học sinh tốt nghiệp tiểu học ra học cấp THCS khá khó khăn đối với xã Thái Bình (Đình Lập). Từ năm học 2012-2013, khi nhà trường chuyển đổi sang loại hình PTDT bán trú, tỷ lệ huy động vào lớp 6 luôn đạt trên 95%. Ra thăm con tại trường, ông Triệu Tiến Bảo, thôn Bản Chu nói với các thầy cô giáo rằng, được nhà nước cho ăn, cho ở và dạy dỗ học hành, cả nhà đều mừng và cho con đi học.
Thực hiện chính sách giáo dục dân tộc của Đảng và Nhà nước, tháng 8/2010, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 24/2010 về việc thành lập loại hình PTDT bán trú. Đây là tin vui đối với con em đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, nếu vẫn cứ gạo quê, lều tự dựng thì cũng chỉ là hình thức “bán trú dân nuôi” mở rộng mà người dân đã làm như trước đây. Quyết định 85 đến cơ sở như một luồng gió mát lành đến các vùng quê và từng người dân. Mức tiền ăn bằng 40% lương tối thiểu, được cấp gạo, được ở nội trú (nếu trọ học thì được cấp tiền trọ), nhà trường được trang bị các điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt của học sinh… Có thể nói, chính sách cho học sinh các trường PTDT bán trú đã có tác động rất thiết thực đến người dân và là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao tỷ lệ huy động, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng học sinh dân tộc vùng đặc biệt khó khăn.
Hiệu quả “đầu tư”
Được chuyển đổi sang loại hình bán trú đầu tiên trong toàn tỉnh, sau 5 năm học, Trường PTDT bán trú xã Công Sơn (Cao Lộc) là “địa chỉ đỏ” của người dân trong việc nâng cao trình độ dân trí. Nếu trước đây, học sinh học xong cấp tiểu học vào THCS chỉ ở mức 60-65%, duy trì sĩ số cấp THCS ở mức 80-85%, việc hoàn thành và duy trì phổ cập rất khó khăn thì từ khi loại hình DTBT được mở ra, tỷ lệ huy động vào lớp 6 luôn đạt trên 100%, duy trì sĩ số đạt 100% và xã này luôn duy trì vững chắc phổ cập THCS.
Là một huyện nghèo có tới 17/19 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn tới 43,67%, việc duy trì và phát triển loại hình PTDT bán trú như một “cứu cánh” đối với giáo dục Bình Gia. Với truyền thống hiếu học, trước năm 2010, người dân các xã vùng khó khăn của huyện đã dành từng ống gạo, cân ngô cho con mang đi học; bỏ ra hàng chục ngày công lên rừng đốn gỗ, chặt vầu dựng lán cho con. Người dân thiết tha với giáo dục, song khó khăn quá, tỷ lệ huy động đã thấp, việc duy trì sĩ số cũng bấp bênh. Vì vậy, Bình Gia là một trong những đơn vị có chất lượng phổ cập THCS thấp nhất trong tỉnh và duy trì cũng rất chật vật. Nay đã khác, trong 4 năm thực hiện bán trú, đã có hàng chục ngàn lượt học sinh được hỗ trợ; năm học 2015-2016 có 3.533 em được hưởng chế độ bán trú, được trợ cấp tiền ăn, có 2.619 em được hỗ trợ tiền nhà ở, chiếm trên 58% tổng số học sinh tiểu học và THCS toàn huyện. Đời sống học sinh trong các trường bán trú cũng đã khá hơn những năm đầu thực hiện.
Thống kê năm học 2015-2016 cho thấy, toàn ngành GD&ĐT có 12.500 học sinh của tất cả 91 trường PTDT bán trú được hỗ trợ tiền ăn, ở, chiếm trên 10% tổng số học sinh các cấp. Chính sách đối với loại hình bán trú và các hỗ trợ cho các đối tượng học sinh khác như: tiền ăn cho học sinh mầm non từ 3-5 tuổi, tiền ăn cho học sinh THPT vùng đặc biệt khó khăn, tiền hỗ trợ chi phí học tập… đã trở thành nguồn lực thường xuyên và to lớn hỗ trợ cho giáo dục, mà trực tiếp là người học. Qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với công tác giáo dục.
Ý kiến ()