Hiệu quả của hải đồ điện tử trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải
Theo quy định mới của Công ước an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS sửa đổi), thời hạn bắt buộc trang bị hệ thống hiển thị hải đồ điện tử (ECDIS) cũng như hải đồ điện tử (ENC) trên tàu đóng mới được bắt đầu từ năm 2012 và sẽ không được muộn hơn năm 2018 cho tất cả các loại tàu hành trình trên biển. Do đó, việc sản xuất và cung cấp hải đồ điện tử vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của các quốc gia tham gia công ước SOLAS, trong đó có Việt Nam.
Đứng trước những thách thức và yêu cầu nêu trên, từ năm 2.005, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền nam đã tiến hành nghiên cứu sản xuất hải đồ điện tử và sau ba năm, năm 2008, đã sản xuất thành công hải đồ điện tử đầu tiên của Việt Nam cho luồng Sài Gòn-Vũng Tàu. Đây là bước ngoặt lớn trong công tác hiện đại hóa, nâng cao năng lực quản lý và bảo đảm an toàn hàng hải của đơn vị.
Tiếp theo thành công đó, kể từ năm 2008 đến nay, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền nam đã phát triển sản xuất 46 mảnh hải đồ cho 17/22 tuyến luồng khu vực phía nam, trong đó có nhiều tuyến luồng quan trọng, như: Vũng Tàu – Thị Vải, Soài Rạp, Quy Nhơn – Nha Trang, Định An – Cần Thơ… Các sản phẩm ENC do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền nam sản xuất, đều đáp ứng được các yêu cầu của Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO), được Văn phòng Thủy đạc Anh (UKHO) đánh giá và kiểm định chất lượng. Hằng năm, Tổng công ty đều phát hành phiên bản cập nhật, bổ sung thông tin, bảo đảm sự chính xác, thường xuyên của hải đồ điện tử. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2015, Tổng công ty sẽ hoàn tất việc sản xuất hải đồ cho bốn tuyến luồng hàng hải còn lại, bảo đảm việc hiện đại hóa công tác quản lý toàn bộ các tuyến, luồng trong khu vực.
Qua nghiên cứu thực tế, khu vực hàng hải nào chưa được khảo sát và hiển thị đầy đủ trên hải đồ điện tử sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả khai thác cũng như sự an toàn của hoạt động hàng hải, tăng chi phí tổng thể, hạn chế tính cạnh tranh của hàng hóa và cả nền kinh tế. Việc tối ưu hóa hành trình hàng hải qua hệ thống hiển thị ENC, sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc, có giá trị không nhỏ cho hạ tầng giao thông quốc gia cũng như hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia. Hiện hải đồ điện tử đang là công cụ hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý báo hiệu hàng hải, hoa tiêu dẫn tàu, trục vớt và cứu hộ, được các đơn vị cảng vụ và các lực lượng an ninh bảo vệ bờ biển sử dụng hiệu quả. Dựa vào thông tin của ENC, các cơ quan chức năng có thể vạch ra kế hoạch quản lý cho từng khu vực vùng nước, nhất là sự kết hợp giữa hải đồ điện tử với hệ thống điều vận tàu VTS, xử lý các tình huống tai nạn khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn trên biển, ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường biển… ENC hiện đang được sử dụng làm bản đồ nền cho hệ thống VTS của Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh, quản lý vận hành tàu biển ra vào trong khu vực Vũng Tàu – Sài Gòn. Trong tương lai, ENC còn có thể hỗ trợ các địa phương trong việc kết hợp với hệ thống thông tin địa lý GIS để quản lý tài nguyên khoáng sản, phòng, chống ô nhiễm môi trường và hỗ trợ công tác giám sát các phương tiện nạo vét trong khu vực.
Với tính chất là một “bản đồ thông minh”, hải đồ điện tử cung cấp cho người sử dụng đầy đủ thông tin và độ chính xác cao hơn rất nhiều so với hải đồ giấy truyền thống. Được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Thủy đạc quốc tế ban hành, ENC do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền nam cung cấp trên cơ sở số hoá các dữ liệu địa hình biển, luồng hàng hải, trong đó có chứa các đặc tính mô tả và định vị, cho phép các phần mềm hiển thị bản đồ điện tử nhận biết được các đặc điểm về độ sâu, vị trí địa lý chính xác và cung cấp các cảnh báo nếu sự điều chỉnh tuyến đi được yêu cầu. Khi ENC được kết hợp với các thiết bị ngoại vi có thể giúp người điều khiển biết được những nguy hiểm nằm trên tuyến hàng hải của tàu, có thể phát ra các âm thanh cảnh báo khi đi vào khu vực nguy hiểm đó hay các khu vực có các quy định cần tuân thủ. Quan trọng hơn, ENC có thể cung cấp các dữ liệu cần thiết cho người đi biển hoặc người dùng khác về thông tin khu vực hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường hoặc khu vực nhạy cảm sinh học…
Theo xu hướng phát triển của thế giới, từ khái niệm hàng hải điện tử E-Navigation do Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đề xuất và được Hiệp hội các nhà quản lý báo hiệu hàng hải thế giới (IALA) tổ chức thực hiện, một số khu vực Bắc Âu, Bắc Mỹ, và eo biển Ma-lắc-ca đang triển khai thử nghiệm hệ thống hàng hải điện tử trong đó ENC là nền tảng thông tin tích hợp cốt lõi của hệ thống và đang được nâng cấp lên tiêu chuẩn S-100 sử dụng cho tàu bè và các trạm quản lý trên bờ. Dựa trên cơ sở đó, Tổng công ty đang tiếp tục nghiên cứu hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp để phát triển ENC và các ấn phẩm hải đồ khác theo tiêu chuẩn mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai, đồng thời đặt ra mục tiêu sản phẩm ENC của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền nam sẽ không những được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam mà còn có thể sử dụng cho các tàu biển trên khắp thế giới ra vào các tuyến, luồng do Tổng công ty quản lý. Đây cũng là nghĩa vụ mà Việt Nam là thành viên ký kết Công ước SOLAS phải tuân thủ thực hiện.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()