Hiệu quả của dự án phục hồi rừng bền vững ở Phú Thọ
Là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía bắc, với diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 195 nghìn ha, bằng 55,3% tổng diện tích đất tự nhiên. Phú Thọ có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp, thêm vào đó là nguồn nhân lực dồi dào, người dân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức quản lý, thâm canh rừng theo hướng tập trung với quy mô lớn.
Là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía bắc, với diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 195 nghìn ha, bằng 55,3% tổng diện tích đất tự nhiên. Phú Thọ có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp, thêm vào đó là nguồn nhân lực dồi dào, người dân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức quản lý, thâm canh rừng theo hướng tập trung với quy mô lớn.
Với lợi thế của mình, tháng 9-2010, Phú Thọ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Mạng lưới châu Á – Thái Bình Dương về phục hồi rừng và quản lý rừng bền vững (APFNet) chọn để triển khai Dự án “Trình diễn năng lực phục hồi rừng bền vững ở Việt Nam”, với tổng kinh phí hơn 586 nghìn USD, trong đó APFNet tài trợ 499.750 USD. Chủ dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, và Chi cục lâm nghiệp Phú Thọ là đơn vị thực hiện. Mục tiêu chung của dự án là thông qua việc xây dựng và trình diễn thí điểm mô hình phục hồi rừng nghèo kiệt ở các cộng đồng, nâng cao sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quản lý rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng giá trị môi trường sinh thái và cải thiện sinh kế của người trồng rừng.
Ðể triển khai thực hiện dự án một cách có hiệu quả, Chi cục Lâm nghiệp Phú Thọ đã chọn hai huyện Thanh Sơn và Tân Sơn là nơi trình diễn mô hình phục hồi rừng nghèo kiệt ở cộng đồng.
Ðến nay, sau gần 30 tháng triển khai thực hiện, Phú Thọ đã xây dựng thành công 100 ha mô hình phục hồi rừng thứ sinh nghèo kiệt bằng trồng bổ sung cây gỗ bản địa và trồng cây lâm sản ngoài gỗ, trong đó đã xây dựng được 50 ha mô hình thí điểm trồng các loại cây lâm sản ngoài gỗ, như ba kích, hương bài, kim tiền thảo, rau bò khai,… trồng mới hàng trăm bụi tre, luồng; đồng thời phục hồi 50 ha rừng nhờ chặt cải thiện, làm giàu rừng bằng việc bổ sung cây bản địa quý hiếm, nằm trong sách đỏ, có giá trị cao, như chò chỉ, chò nâu, lim xanh, dổi xanh, mỡ… vừa nâng cao độ che phủ, và tăng giá trị của rừng, vừa tạo được thu nhập cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là thu nhập của người dân địa phương. Quá trình triển khai Dự án cũng xây dựng được một số quy ước thôn bản về thể chế vi mô cho việc quản lý bảo vệ rừng, cũng như chia sẻ lợi ích từ rừng dựa trên cơ sở cộng đồng, như Quy chế bảo vệ và phát triển rừng thôn; Ban quản lý rừng thôn… Ðồng thời thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, tham quan hiện trường và cùng thực hiện các hoạt động dự án, góp phần nâng cao năng lực của cơ quan thực hiện dự án, người dân và cán bộ lâm nghiệp các cấp. Tác động lâu dài của mô hình “hậu dự án” là đã góp phần xây dựng, chuyển giao các vườn ươm quy mô nhỏ ở địa phương nhằm bảo đảm tính liên tục và lâu dài trong việc cung cấp cây con cho việc mở rộng dự án.
Phó Chi cục trưởng Lâm nghiệp tỉnh Phú thọ Trần Ngọc Cường cho biết, nhờ có sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước với cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời thông qua các chương trình, dự án về phát triển lâm nghiệp, trong đó có Dự án “Trình diễn năng lực phục hồi rừng bền vững ở Việt Nam” do APFNet tài trợ, năm qua giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 350 tỷ đồng, 11,09% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, thủy sản, góp phần tạo thêm việc làm cho gần 23 nghìn hộ dân, trong đó có khoảng 2.600 hộ nghèo, bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, năng suất, chất lượng và độ che phủ của rừng không ngừng nâng lên từ 35,9% năm 2000 lên 50% năm 2012, góp phần phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nguồn nước, đời sống người trồng rừng ngày càng cải thiện, thêm gắn bó với rừng.
Nhandan
Ý kiến ()