Hiệu quả của doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu Tư phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp xã hội: Từ thực tiễn đến chính sách”.
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu Tư phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp xã hội: Từ thực tiễn đến chính sách”.
Tín hiệu tích cực từ mô hình doanh nghiệp xã hội
Được bắt đầu giới thiệu vào Việt Nam từ năm 2009, mặc dù bối cảnh và thực tiễn phát triển của các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam có nhiều đặc điểm khác biệt so với nước ngoài nhưng đến nay mô hình này đã khá phát triển với hơn 300 tổ chức đang hoạt động trên khắp cả nước.
Trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp nông thôn, theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển doanh nghiệp xã hội Tia Sáng (Spark Center) thực hiện trên 11 doanh nghiệp xã hội cho thấy đã có những kết quả nhất định. Điển hình như mô hình hợp tác xã sữa Evergrowth. Thông qua các hoạt động thu mua và bán sữa tươi, mỗi ngày Evergrowth thu mua và bán khoảng với 16 tấn sữa với giá chênh lệch là 2.000 đồng/lít. Năm 2012, Evergrowth đạt doanh thu 72 tỷ đồng (lợi nhuận 3 tỷ đồng), trong đó 40% chia cho xã viên, còn lại tái đầu tư, giúp trên 3.000 đối tượng nông dân hưởng lợi, trong đó có 90% là đồng bào người Kh’me. Từ chỗ 60% là các hộ nghèo khi ra nhập, đến nay đã có nhiều hộ thoát nghèo với thu nhập mỗi tháng trên 3 triệu đồng/hộ/1 bò sữa.
Hoặc như mô hình kinh doanh Trí Đức 115 tại Yên Bái, từ chỗ chỉ có 12 nhân viên lúc mới thành lập năm 2009, tới nay, Công ty đã vận chuyển được 2.000 bệnh nhân từ nhà hay chuyển viện an toàn, doanh thu của năm 2012 đạt 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng. Qua đó, tạo cơ hội được hưởng lợi cho những người nghèo trong khu vực với mức giá được giảm từ 10-30%.
Kết quả nghiên cứu của Spark Center cũng cho thấy, trong số 11 doanh nghiệp xã hội được khảo sát năm 2012, lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra quy mô doanh thu được từ 600 triệu đồng tới 319 tỷ đồng, số người được hưởng lợi từ 60-10.000 người. Trong lĩnh vực y tế đạt quy mô doanh thu từ 300 triệu đồng – 15 tỷ đồng, tạo ra từ 600-20.00 người hưởng lợi.
Giải pháp tăng tính bền vững
Tại Hội thảo, đánh giá về tổng quan các mô hình doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay, theo ông Lưu Minh Đức, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, từ trước tới nay việc phân loại các mô hình doanh nghiệp xã hội mới chỉ dựa vào hình thức bề ngoài như các hợp tác xã, doanh nghiệp cộng đồng, tổ chức tình nguyện…
Cũng theo ông Đức, về bản chất các doanh nghiệp xã hội vốn khá tương đồng nhưng cách làm lại tương đối linh hoạt. Hiện tại mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp được nhận diện tại Việt Nam và con số này mỗi năm tăng thêm khoảng 50 doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tổ chức khác có tiềm năng trở thành doanh nghiệp xã hội. Theo đó ông Đức đưa ra các tiêu chí để phân loại bao gồm: sinh kế bền vững, nguồn thu bền vững, sản phẩm xã hội, khách hành xã hội, chia sẻ lợi ích và sáng tạo.
Cùng với đó, việc phải hoạt động trong môi trường pháp lý chưa hoàn thiện cũng khiến cho các doanh nghiệp xã hội gặp phải nhiều thách thức như việc mở rộng liên kết, tiếp cận vốn đầu tư… để mở rộng quy mô hoạt động và phát triển bền vững.
Chia sẻ quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng CIEM cho rằng, các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam được thành lập còn mang tính cá nhân, vốn ban đầu tự góp, quy mô nhỏ, ít vì mục tiêu lợi nhuận nên việc kinh doanh gặp nhiều rủi ro và không hấp dẫn được các nhà đầu tư. Do đó việc huy động vốn để khởi sự và phát triển gặp nhiều hạn chế.
Theo đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh đưa ra phương án để khắc phục tình trạng trên bằng cách chuyển đổi một số cơ sở dậy nghề công lập sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội bởi cả hai đều có những điểm tương đồng như đặt mục tiêu xã hội lên đầu, sử dụng hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng như phương tiện để đạt mục tiêu xã hội và tái phân bổ lợi nhuận trở lại cho tổ chức, cộng đồng và mục tiêu xã hội
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()