Hiệu quả của chiến dịch bán hàng giảm giá kích cầu du lịch năm 2010 tại Hà Nội
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội đã tổng kết “Chiến dịch bán hàng giảm giá kích cầu du lịch năm 2010 tại Hà Nội” (Impressive Viet Nam Grand Sale 2010).
Chiến dịch bán hàng giảm giá kích cầu du lịch năm 2010 là một trong bảy nội dung chínhtrong Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam – Điểm đến của bạn” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát động và thực hiện trong tháng 8 và 9/2010. M ục tiêu mà chương trình hướng đến là gia tăng lượng du khách ở thị trường nội địa và các thị trường trọng điểm, chủ yếu nhằm vào đối tượng khách chi tiêu cao và lưu lại dài ngày để tăng thu nhập từ du lịch, dần dầntừng bước hình thành các trung tâm mua sắm hàng hóa cho khách du lịch, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng.
Tham gia “Chiến dịch bán hàng giảm giá kích cầu du lịch năm 2010” có gần 100 điểm bán hàng là các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng chuyên doanh, trải rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chiến dịch được ủng hộ bằng các hình thức như: tài trợ lại qua hoàn thuế VAT, thẻ ưu đãi giảm giá (Tourist Privilege Card) hoặc vé mua sắm (shopping coupon), khách du lịch chỉ cần xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân để nhận thẻ ưu đãi này tại các điểm bán hàng thuộc chương trình.
Kết quả, sau 2 tháng triển khai thực hiện, chiến dịch đã mang lại hiệu quả khá cao đối với các doanh nghiệp có cơ sở tốt và thương hiệu trên thị trường. Các doanh nghiệp này không chỉ dựa vào hoạt động quảng bá, truyền thông của chương trình mà còn biết nắm bắt cơ hội, chủ động trong việc tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm và thương hiệu riêng cho mình. Sau khi chương trình kết thúc, doanh thu của nhiều đơn vị đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nguyễn Mạnh Cường nhận định, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, trong đó mua sắm là hoạt động không thể thiếu. Trong khi, tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch cho mua sắm hàng hóa còn thấp. Vì vậy, chương trình này chính là hoạt động để thu hút khách, kích thích khả năng mua sắm hàng hóa trong mùa du lịch thấp điểm. Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung và cách thức hoạt động để không những kích cầu du lịch mà chính người dân địa phương cũng được hưởng những lợi ích từ chương trình.
Ông Lưu Đức Kế – Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cũng cho rằng, mua sắm là một phần quan trọng cấu thành một tour du lịch. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có nhiều làng nghề với đa dạng mặt hàng thủ công mỹ nghệ được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Thế nhưng các dịch vụ bán hàng lại chưa thực sự cuốn hút được du khách. Vì vậy, “Chiến dịch bán hàng giảm giá kích cầu Du lịch năm 2010 tại Hà Nội” là một kế sách hay để thu hút khách.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng có chung nhận xét, trên thực tế, mô hình du lịch kết hợp với giảm giá mua sắm không phải lần đầu tiên có ở Việt Nam, như Malaysia hay Thái Lan thì mô hình này đã rất thành công, nay cộng với những kết quả đáng khích lệ trong hai tháng 8 và 9/2010 một lần nữa cho thấy các cơ quan chức năng nên tổ chức những chương trình giảm giá thường niên với quy mô lớn, hấp dẫn hơn để phát huy tối đa hiệu quả kích cầu du lịch.
Ý kiến ()