Hiệu quả công tác lao động, việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh
(LSO) – Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) có bài tham luận “Công tác lao động, việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Báo Lạng Sơn trân trọng trích đăng tham luận.
Chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội và chăm sóc người có công và xã hội luôn là nhiệm vụ được gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, trong những năm qua ngành LĐTB&XH luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ LĐTBXH, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các huyện thành phố, các tổ chức đoàn thể cùng sự đồng thuận hưởng ứng, đồng hành của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong 5 năm, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh và cùng các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án góp phần hỗ trợ hàng chục ngàn lao động có thêm việc làm, đời sống của người lao động đã từng bước được cải thiện, tạo việc làm mới cho 72.618 người, đạt 104,5% chỉ tiêu đại hội. Bước đầu thực hiện có hiệu quả cơ chế hợp tác lao động qua biên giới với thành phố Sùng tả, Quảng Tây, Trung quốc. Thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết chế độ và chăm sóc người có công, trong 5 năm đã huy động trên 8,578 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” xây dựng và sửa chữa 123 nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các hộ người có công có hoàn cảnh khó khăn tổng trị giá 54 triệu đồng. Đến nay 100% xã, phường được công nhận xã, phường làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công, đời sống gia đình người có công có mức sống từ trung bình trở lên, không còn gia đình người có công nghèo.
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
Đồng thời, ngành tập trung tuyên truyền, định hướng phân luồng giáo dục, đã tuyển sinh và đào tạo nghề giai đoạn 2015 – 2020 được 67.774 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng 11,6% (từ 43,4% năm 2015 lên 55% năm 2020) vượt chỉ tiêu đại hội. Công tác giáo dục nghề nghiệp đã từng bước nâng cao, từng bước thực hiện đào tạo gắn với tạo việc làm bền vững tại doanh nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tác động và thúc đẩy mạnh mẽ đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tham mưu triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo từ 25,95% năm 2016 giảm xuống còn 7,89% vào cuối năm 2020, trung bình mỗi năm giảm 3,61%. Nhiều mô hình giảm nghèo hay được nhân rộng, nhiều tấm gương sáng đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá, giàu và chính họ đã hỗ trợ cho các hộ khác vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.
Công tác chăm sóc trẻ em được tăng cường, đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ cho 1.389 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và quan tâm chăm sóc cho trên 44.660 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hằng năm, đơn vị tổ chức diễn đàn trẻ em cấp tỉnh lắng nghe và có biện pháp trợ giúp để các em có cuộc sống ổn định, được học hành, tránh được bạo lực bạo hành, tai nạn thương tích… Công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em được quan tâm, đạt những kết quả quan trọng, hoàn thành các chỉ tiêu chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, quan tâm xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em theo tiêu chí của Chính phủ; trẻ em có cơ hội được tham gia ý kiến vào các vấn đề liên quan đến quyền của trẻ, được tạo môi trường an toàn, thân thiện để phát triển toàn diện; góp phần hình thành nhân cách, tri thức, các kỹ năng phục vụ xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Ngành tập trung quản lý tốt các đối tượng đang cai nghiện và phòng, chống mại dâm, hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị mua bán trở về. Đã tổ chức cai nghiện cho 850 lượt học viên tại cơ sở cai nghiệm ma túy tỉnh, 1.302 lượt người tại gia đình và cộng đồng, quản lý tốt các loại hình dịch vụ không để hình thành tụ điểm mại dâm. Xây dựng và nhân rộng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt công tác thanh tra kịp thời chấn chỉnh tình trạng để mất an toàn trong lao động tại các doanh nghiệp, hàng năm, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện an toàn lao động, do đó tình trạng mất an toàn lao động đã giảm đáng kể, tránh các tổn thất về người và vật chất cho doanh nghiệp và người lao động.
Những nỗ lực cố gắng của cán bộ, đảng viên toàn ngành LĐTBXH đã góp phần làm ổn định xã hội. An sinh xã hội được đảm bảo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, Nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, các khu vực giáp biên được chăm lo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, đóng góp công sức bảo vệ vững chắc chủ quyển biên giới, an ninh nông thôn. Từng bước đào tạo, xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, làm giàu cho quê hương. Người dân được định hướng tìm kiếm việc làm đã giảm tỷ lệ thất nghiệp, tuyên truyền có hiệu quả công tác xuất khẩu lao động đem lại cuộc sống tốt hơn cho Nhân dân. Các gia đình chính sách, người có công với cách mạng được chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần, đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, động viên khích lệ tuổi trẻ tiếp tục lên đường bảo vệ Tổ quốc. Các vấn đề xã hội được quan tâm đúng mức cũng đã tạo đã cho phát triển ổn định, vững chắc về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh trong giai đoạn vừa qua.
Để công tác lao động, người có công và xã hội tiếp tục đạt được kết quả cao trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Sở LĐTB&XH đưa ra một số bài học kinh nghiệm và giải pháp thực hiện như sau:
Một là, tham mưu và triển khai có hiệu quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước vào tình hình thực tiễn của tỉnh. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ, phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác, nhất là đối với những nhiệm vụ lớn và khó khăn, phức tạp.
Hai là, có kế hoạch triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm, xây dựng nội dung chương trình phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện của cơ quan và phù hợp với đặc điểm tình hình của ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lãnh đạo, từng đơn vị để chỉ đạo sát sao mọi hoạt động trong cơ quan, đơn vị đạt kết quả.
Ba là, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh thực hiện nhiệm vụ và hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời cùng nhau tháo gỡ, tìm giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình thực hiện ở tại cơ sở.
Bốn là, làm tốt công tác giáo dục truyền thống, giáo dục phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận theo quy hoạch và kế hoạch hằng năm. Tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đánh giá, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ công chức, viên chức của Sở để có lực lượng cán bộ, lãnh đạo đủ năng lực đủ trình độ và chuẩn mực về đạo đức để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Năm là, có sự phối hợp đồng bộ với các sở ngành, địa phương và cơ quan đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện cho tổ chức , công dân và những người hưởng chế độ được giải quyết các giao dịch nhanh gọn, hiệu quả.
Giải pháp thực hiện trong thời gian tới:
Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn tới với những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức; bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành tập trung tham mưu thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; đặc biệt, tập trung thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội, phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho người dân, tăng cường huy động, xã hội hóa các nguồn lực chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách người có công, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, ngành tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng vị trí việc làm gắn với rà soát, tổ chức bộ máy tinh gọn; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tăng cường kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Để đạt được điều đó, cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành sẽ quyết tâm, tâm huyết, trách nhiệm, tận tâm, tận tụy trong thực hiện nhiệm vụ; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ về mọi mặt, lấy sự hài lòng, lợi ích của Nhân dân làm phương châm phục vụ; tham mưu thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác lao động, việc làm, dạy nghề, chính sách người có công và đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng sự tin tưởng của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh.
Ý kiến ()