Hiệu quả công tác huy động nguồn lực xã hội cho sự nghiệp trồng người
– Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã tích cực huy động, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng các công trình giáo dục. Qua đó, góp phần cải thiện cơ sở vật chất trường, lớp học, góp phần đảm bảo tốt hơn yêu cầu phát triển và đổi mới giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Trao quà cho học sinh nhân dịp khánh thành ngôi Trường Hy vọng Samsung (xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn)
Tích cực huy động xã hội hóa giáo dục
Năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 670 đơn vị, trường học với trên 207.000 học sinh, sinh viên (tăng hơn 14.000 học sinh so với năm học 2017 – 2018). So với quy mô giáo dục hiện tại, số phòng học cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/1 lớp để học 2 buổi/ngày đối với các lớp thực hiện Chương tình giáo dục phổ thông 2018. Để có được kết quả đó, bên cạnh các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, còn có sự chung tay, hỗ trợ, ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà hảo tâm, đơn vị, tổ chức, cá nhân thông qua huy động xã hội hóa (XHH) giáo dục.
“Với mong muốn được hỗ trợ cho công tác giáo dục, nhất là giáo dục vùng khó, từ khi thành lập câu lạc bộ (CLB) (năm 2013) đến nay, ngoài các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người dân vùng khó, chúng tôi còn thường xuyên đến những trường học, điểm trường có nhiều khó khăn hỗ trợ xây dựng điểm trường, xây phòng học, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học cho nhà trường và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học… Kinh phí hỗ trợ chủ yếu từ các thành viên CLB và huy động từ các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm. Cụ thể mỗi năm, CLB huy động được khoảng 30 – 50 triệu đồng. Đến nay, việc làm này đã được duy trì và trở thành hoạt động thường niên của CLB. Anh Nguyễn Khắc Xuân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin Lạng Sơn |
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của cấp trên, những năm qua, sở đã hướng dẫn các đơn vị, trường học tuyên truyền, kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng trường, lớp và bổ sung, mua sắm trang thiết bị dạy học. Đồng thời, sở đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho giáo dục; hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác XHH theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, các khoản tài trợ, đóng góp phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ và đóng góp, quản lý và sử dụng theo Thông tư số 16/2018/TT-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Trên cơ sở hướng dẫn của ngành, các đơn vị, trường học đã tích cực thực hiện công tác huy động XHH giáo dục; chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về chủ trương XHH của ngành và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận về XHH đến các tổ chức, cá nhân và Nhân dân để cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của địa phương. Nhờ đó, trong những năm trở lại đây, tổng nguồn vốn xã hội đầu tư cho giáo dục trên địa bàn tỉnh tương đối lớn. Qua đó, nhiều công trình phục vụ giáo dục đã được đầu tư, xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Theo rà soát của Sở GD&ĐT, trong giai đoạn từ năm học 2017 – 2018 đến nay, toàn ngành GD&ĐT tỉnh đã huy động Nhân dân hiến được gần 40.000 m2 đất và đóng góp trên 560.000 ngày công lao động; huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ được hơn 105 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng công trình trường, lớp học và bổ sung các trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân cho học sinh ở các trường, điểm trường.
Đảm bảo điều kiện cho công tác giáo dục
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, công tác XHH giáo dục trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần từng bước nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất cho các trường, điểm trường ở những vùng khó khăn chưa có dự án đầu tư của Nhà nước. Nếu như đầu năm học 2017 – 2018, toàn tỉnh có trên 5.200 phòng học kiên cố, chiếm khoảng 60% số phòng học đang sử dụng thì đến năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 7.688 phòng học, trong đó có 5.967 phòng kiên cố, chiếm 77,61% số phòng học đang sử dụng và 1.425 phòng bán kiên cố, chiếm 18,54%; có 296 phòng tạm, chiếm 3,85%; riêng cấp học phổ thông, số phòng kiên cố là 4.765 phòng, chiếm 79,59% số phòng học hiện có.
Có thể kể đến như trong tháng 9/2022 vừa qua, từ công tác XHH, ngành giáo dục tỉnh được Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam và Tổ chức KFHI Hàn Quốc tài trợ xây dựng ngôi trường hy vọng Samsung tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn với diện tích trên 7.400 m2. Trường bao gồm 1 toà nhà lớp học 2 tầng, 1 toà nhà phúc lợi, 1 nhà đa năng, sân bóng và các khu vực vui chơi ngoài trời, là nơi học tập ngoại khóa hoàn toàn miễn phí dành cho khoảng 300 học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ cấp tiểu học đến THCS trong tỉnh.
Sự quan tâm hỗ trợ của xã hội là động lực để nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục: “Trường Mầm non xã Đào Viên là trường vùng 3, biên giới, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, có các điểm trường ở xa nhau. Với phương châm không chờ ngân sách Nhà nước và thực hiện hướng dẫn của ngành về công tác XHH giáo dục, hằng năm chúng tôi đều tham mưu với UBND xã, huyện để thực hiện kêu gọi các bậc phụ huynh, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các cơ quan, ban, ngành ở trong và ngoài địa phương hỗ trợ nhà trường củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Cụ thể từ năm học 2017 – 2018 đến nay, trường đã huy động được 20 đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ trên 300 triệu đồng. Qua đó, trường đã xây dựng được 2 phòng học, cải tạo sân chơi và mua sắm các trang thiết bị như ti vi, đồ dùng phục vụ dạy học… Sự ủng hộ này là động lực để đội ngũ giáo cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện tốt hơn nhiệm vụ dạy và học”. Bà Hà Thị Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đào Viên, huyện Tràng Định |
Tương tự, thông qua công tác vận động XHH, đầu năm 2022, cô trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Tân Minh, huyện Tràng Định đã được Câu lạc bộ (CLB) Ô tô Lạng Sơn hỗ trợ xây dựng 1 phòng học đa năng có diện tích 42,6 m2 với tổng giá trị trên 207 triệu đồng; Trường Mầm non xã Trấn Yên được Quỹ Tâm hồn đẹp quận Long Biên, Hà Nội hỗ trợ 336 triệu đồng xây dựng Điểm trường mầm non Lân Hoèn gồm 1 phòng học, 1 phòng kho, bếp ăn, sân chơi và công trình phụ. Còn tại Trường Tiểu học – THCS xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi XHH, năm học 2021 – 2022, trường đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng 12 phòng học, 6 phòng vệ sinh khép kín… Cô Tô Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thông qua huy động XHH, trường được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn hỗ trợ 5 tỷ đồng, ngân sách huyện đối ứng hơn 2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường, lớp học, qua đó đáp ứng tốt hơn cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học.
Nhờ thực hiện tốt công tác XHH giáo dục, điều kiện, môi trường học tập của nhiều trường học đã được cải thiện, nhiều trường học sau khi được hỗ trợ đầu tư xây dựng, tu sửa đã đảm bảo được các tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia, theo đó đến nay, toàn tỉnh có 272 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 89 trường so với năm học 2017 – 2018); cùng đó, có trên 99% trường học được công nhận là trường học công viên, qua đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh.
Với những kết quả tích cực từ công tác XHH giáo dục, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai công tác huy động XHH giáo dục đến các trường học; phối hợp với các địa phương trong đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất trường học, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà trường giảng dạy, học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Ý kiến ()