Hiệu quả chương trình vệ sinh và nước sạch
(LSO) – Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), sau một thời gian triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều trường học ở vùng khó được đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh và nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho giáo viên và học sinh.
Do cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư xây dựng đã lâu, nhiều công trình nhất là hệ thống nhà vệ sinh đã xuống cấp, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của các em nên trong năm 2019, Trường Tiểu học Tô Hiệu, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia được cấp kinh phí từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn WB. Theo đó, nhà trường được đầu tư xây dựng 2 nhà vệ sinh và 1 bể chứa nước sạch. Cô Hoàng Thị Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi được đầu tư, công trình nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch đã phát huy tác dụng tích cực, giúp học sinh có địa điểm vệ sinh kiên cố, sạch sẽ; góp phần đảm bảo tốt các điều kiện phục vụ cho hoạt động sinh hoạt và giáo dục của nhà trường.
Đại diện các trường học tham gia tập huấn thay đổi hành vi vệ sinh và nước sạch do WB tài trợ
Không riêng Trường Tiểu học Tô Hiệu, từ thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn WB, thời gian qua, tại Lạng Sơn đã có nhiều trường học ở vùng khó được đầu tư, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của giáo viên, học sinh. Cụ thể từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 21 trường học được đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh và nước sạch với tổng vốn hơn 7,4 tỷ đồng do WB tài trợ. Trong đó, năm 2018 có 12 trường được đầu tư với kinh phí hơn 4 tỷ đồng; năm 2019 có 9 trường được đầu tư với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
Cùng với việc đầu tư xây dựng, thông qua chương trình, các nhà trường còn được hỗ trợ tập huấn truyền thông về thay đổi hành vi vệ sinh trong trường học nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững tới nước sạch và vệ sinh nông thôn cho học sinh.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Ðể thực hiện hiệu quả mục tiêu của chương trình, sở đã rà soát và khảo sát thực tế tại các trường học. Trong đó ưu tiên đầu tư cho các trường khu vực vùng sâu, vùng xa, còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Đảm bảo các công trình xây dựng phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch nông thôn. Từ nguồn vốn của chương trình này đã góp phần quan trọng giúp ngành GD&ĐT tỉnh hoàn thiện tiêu chí về vệ sinh, nước sạch trong nhà trường. Không chỉ dừng lại ở công tác đầu tư, thông qua hoạt động của chương trình, ngành GD&ĐT tỉnh cũng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại các trường được thụ hưởng chương trình.
Được biết, Lạng Sơn là 1 trong 21 tỉnh, thành được triển khai thực hiện chương trình theo phương thức giải ngân mới là “dựa trên kết quả đầu ra”, hỗ trợ cải tạo và xây mới các công trình vệ sinh và nước sạch cho các trường học trên địa bàn tỉnh. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai (từ năm 2018), chương trình đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện điều kiện sinh hoạt; hỗ trợ đắc lực cải thiện môi trường sống và học tập; bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong nhà trường. Đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()