LSO-Thực hiện Quyết định 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt – Trung đến năm 2010 (gọi tắt là CT120), huyện Cao Lộc đã triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp tích cực để phát triển nhanh kinh tế - xã hội vùng biên giới, nhằm đưa vùng này ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.Huyện Cao Lộc có 5 xã, 1 thị trấn tiếp giáp với biên giới trong đó gồm có 28 thôn, 4 khối phố và 4.331 hộ dân. Kinh tế - xã hội của các xã, thị trấn tiếp giáp với biên giới trước khi có CT120 thực sự rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, ngoài thị trấn Đồng Đăng thì còn có 8 thôn chưa có đường giao thông xe cơ giới, 12 thôn chưa có điện lưới, nhiều thôn bản chưa có công trình thủy lợi, lớp học cho con em trên địa bàn. Đời sống đồng bào các xã vùng biên giới chủ yếu...
LSO-Thực hiện Quyết định 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tuyến biên giới Việt – Trung đến năm 2010 (gọi tắt là CT120), huyện Cao Lộc đã triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp tích cực để phát triển nhanh kinh tế – xã hội vùng biên giới, nhằm đưa vùng này ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Huyện Cao Lộc có 5 xã, 1 thị trấn tiếp giáp với biên giới trong đó gồm có 28 thôn, 4 khối phố và 4.331 hộ dân. Kinh tế – xã hội của các xã, thị trấn tiếp giáp với biên giới trước khi có CT120 thực sự rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, ngoài thị trấn Đồng Đăng thì còn có 8 thôn chưa có đường giao thông xe cơ giới, 12 thôn chưa có điện lưới, nhiều thôn bản chưa có công trình thủy lợi, lớp học cho con em trên địa bàn. Đời sống đồng bào các xã vùng biên giới chủ yếu là kinh tế tự cung, tự cấp, thu nhập đầu người và mặt bằng dân trí thấp so với mặt bằng chung của huyện.
|
Trường THCS xã Thành Lòa (Cao Lộc) được xây dựng bằng nguồn vốn 120 – Ảnh: Trúc Lam |
Đón nhận CT120 của Chính phủ, huyện Cao Lộc đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Lương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cao Lộc cho biết: Trong quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, UBND huyện đã đưa tuyến biên giới vào mục tiêu phát triển, quy hoạch các điểm dân cư biên giới, thống nhất các ngành và trình tỉnh đề nghị trung ương đầu tư hệ thống đường vành đai, đường ra biên giới và đường nối đường vành đai với đường ra biên giới. Hiện nay, toàn tuyến không còn thôn, bản cũ trống dân, nhưng dọc biên giới còn nhiều vùng đất trống có thể khai hoang, lấp đất làm ruộng, giải quyết đất canh tác cho các hộ thiếu đất sản xuất, đồng thời vừa thực hiện di giãn dân ra để định cư bảo vệ biên giới. Đến nay, Đoàn kinh tế Quốc phòng và Ban dân tộc đã thực hiện xây dựng và hoàn thành bản định cư Pò Nhùng (xã Cao Lâu), Bắc Lệ (xã Xuất Lễ), Nà Bó (xã Thanh Lòa), Phiêng Háng (xã Xuất Lễ), chuẩn bị đầu tư khu di dân mới là bản Lủng Làu (xã Thanh Lòa).Trong danh mục các công trình thuộc CT120, từ năm 2003 đến nay, huyện Cao Lộc tập trung đầu tư cho các tuyến đường trên vành đai, các tuyến ra biên giới, các tuyến nối giữa các thôn, bản, công trình trụ sở UBND các xã, các công trình cấp điện, cấp nước và trường học. Bằng nguồn vốn hàng năm của CT120, lồng ghép với vốn CT135 do UBND huyện làm chủ đầu tư đã hoàn thành đầu tư 36 công trình và hạng mục với tổng vốn đầu tư từ ngân sách là 30.687 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp xây dựng 5 công trình trường học, 13 công trình giao thông, mở mới 11,5km, xây 3 ngầm với nền đường là đất rộng 3,5m tại các xã Cao Lâu, Thanh Lòa, Mẫu Sơn, Bảo Lâm, thị trấn Đồng Đăng. Xây dựng 4 công trình điện, 4 trạm biến áp, 8,5km đường dây trung áp và 0,4kV cấp cho 340 hộ dân của các xã Xuất Lễ, Cao Lâu, Thanh Lòa. Xây dựng 3 nhà văn hóa với diện tích sàn trên 300m2 tại thị trấn Đồng Đăng. Ngoài các công trình trên, hàng năm, các xã thuộc CT120 còn được hỗ trợ 100 triệu đồng/năm/xã để thực hiện công tác bảo vệ đường biên, cột mốc với tổng số tiền 1.480 triệu đồng.
Có thể thấy rằng, sau 7 năm triển khai thực hiện, các xã, thị trấn biên giới của huyện Cao Lộc đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản của giai đoạn đầu thuộc CT120 đã đề ra. Qua đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và thành thị khu vực biên giới, tạo ra nhiều đổi mới tiến bộ, cơ sở hạ tầng thiết yếu được củng cố, cải thiện, thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới với các khu kinh tế động lực. Chính vì vậy, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các xã, thị trấn vùng biên ngày càng được cải thiện đáng kể, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Thanh Huyền
Ý kiến ()