Hiệu quả chính sách nông nghiệp, nông thôn
LSO - Trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã đưa nhiều chính sách đến với người dân. Một số chính sách đã giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Hiện tổng doanh số ngân hàng cho vay để thực hiện các chính sách đạt trên 154,5 tỷ đồng.
Kênh mương thủy lợi ở huyện Lộc Bình
Ảnh: Thế Bảo
Trong 7 chính sách do tỉnh ban hành, thì có 6/7 chính sách đã thực sự phát huy được hiệu quả, đó là: Chính sách thú y viên cơ sở; chính sách khuyến nông viên cơ sở; chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả; chính sách hỗ trợ rủi ro trong công tác tiêm phòng gia súc; chính sách hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò; chính sách hỗ trợ sản xuất đối với dân tộc thiểu số. Đây là những chính sách quan trọng liên quan đến thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, làm tiền đề xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian tới. Hiệu quả các chính sách đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Vườn ươm giống cây quế hộ gia đình ở xã Cao Minh, huyện Tràng Định
Nổi bật trong các chính sách trên, có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả giai đoạn 2008 – 2015. Qua 7 năm thực hiện, đến nay nhiều hộ dân của 7 huyện: Đình Lập, Tràng Định, Lộc Bình, Hữu Lũng, Cao Lộc, Bình Gia, Bắc Sơn được hưởng lợi. Lũy kế đến đầu năm 2015 có hơn 2.094 dự án xin vay vốn; trong đó có 2.068 dự án đã được giải ngân với doanh số cho vay gần 98 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất 13,8 tỷ đồng và đã thực hiện trồng mới được hơn 7.941 ha cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Việc thực hiện chính sách đã góp phần phát triển kinh tế đồi rừng. Đồng thời, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng hàng năm, nâng độ che phủ của rừng từ 42,92% năm 2007 lên 52,1% năm 2013. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò giai đoạn 2010 – 2015 cũng được tỉnh quan tâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.518 hộ thuộc 3 huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định mua được 2.141 con trâu, bò với số tiền vay hơn 55 tỷ đồng, kinh phí nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay hơn 4,2 tỷ đồng. Riêng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số vùng khó khăn giai đoạn 2014 – 2015, UBND tỉnh đã giao cho Ban Dân tộc chủ trì tổ chức thực hiện. Kết quả năm 2014 trên địa bàn tỉnh đã có 4.114 hộ được hỗ trợ (với mức 1 triệu đồng/hộ) và đã hỗ trợ trực tiếp được: 52 tấn phân bón, 1.965 kg giống lúa, ngô, 4.150 kg cây thạch đen giống….
Mặc dù việc triển khai thực hiện các chính sách trên đã đạt được những kết quả nhất định, song sự phối hợp triển khai, thực hiện các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều tồn tại, hạn chế. Để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các chính sách trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, cơ sở cần tăng cường vận động, huy động các nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chính sách liên quan đến đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Chủ động phối hợp với ngân hàng, tổ chức tín dụng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp biết và hiểu những lợi ích của chính sách mang lại. Từ đó, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tăng khả năng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bài, ảnh: Mai Hoa
Ý kiến ()