Hiệu quả chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó
(LSO) – Thời gian qua, các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) và học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đã tạo “cú huých” nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Việc thực hiện cùng lúc nhiều chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn như: Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, trường PTDTBT ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021… đã giúp cho việc học của con em đồng bào DTTS trên địa bàn trong những năm qua giảm bớt những khó khăn, yên tâm học tập.
Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình trong giờ lên lớp
Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực hiện các chính sách này, hằng năm, ngành giáo dục tỉnh đều triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền ăn, ở và các chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn cho các đối tượng học sinh được hưởng chính sách, học tập trong môi trường bán trú… Bình quân mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có 36.200 học sinh vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo và tiền ăn, ở; 48.500 học sinh vùng đặc biệt khó khăn được miễn giảm học phí.
Đặc biệt, ngày 18/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2016/NĐ-CP, quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở thôn, xã đặc biệt khó khăn. Theo đó, học sinh các trường PTDTBT, học sinh các trường tiểu học, THCS thuộc xã vùng ba, hoặc ở xa trường từ 4 đến 7 km, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, tiền nhà ở mỗi tháng bằng 10% mức lương cơ sở và 15 kg gạo. Thời gian hỗ trợ mỗi năm học tối đa là 9 tháng. Ðối với các trường PTDTBT thì được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, được lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh/năm.
Với các chính sách trên, thời gian qua, hệ thống trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng. Nếu như năm học 2010 – 2011, toàn tỉnh mới chỉ có 6 trường PTDTBT, đến năm học 2020 – 2021 tăng lên 98 trường với trên 15.200 học sinh. Ở môi trường này, học sinh con em đồng bào DTTS được tạo điều kiện học tập, sinh hoạt tập trung. Đa số các trường có bếp ăn bán trú được bố trí phù hợp, đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh; 100% trường PTDTBT có nguồn nước sạch để phục vụ ăn uống và sinh hoạt; 100% học sinh tại các trường PTDTBT được cấp bảo hiểm y tế theo quy định. Qua đó đã giúp cho việc học của con em đồng bào DTTS trên địa bàn giảm bớt những khó khăn, yên tâm học tập. Các chính sách đã hỗ trợ đắc lực cho học sinh vùng khó có thêm động lực đến trường.
Em Triệu Nam Hà, học sinh lớp 7 Trường PTDTBT THCS xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà ở xa trường, việc được học tập trong môi trường bán trú, được hưởng chính sách ăn, ở, học tập tại trường, em không phải lo lắng về việc đi lại hằng ngày. Hơn nữa khi được miễn giảm học phí, bố mẹ em cũng phần nào ủng hộ em đến trường học tập. Giờ đây, công việc chính của em là chuyên tâm học để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ.
Sau nhiều năm triển khai các chính sách về hỗ trợ học sinh vùng DTTS và xây dựng mô hình trường PTDTBT đã hỗ trợ thiết thực vào nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó trên địa bàn tỉnh. Từ năm học 2017 – 2018 đến nay, tỉ lệ học sinh DTTS trường PTDTBT xếp loại hạnh kiểm khá, tốt luôn đạt trên 90%, tăng trên 10% so với năm học 2010 – 2011; học lực khá, giỏi đạt trên 40%, tăng trên 11% so với năm học 2010 – 2011. Hằng năm, học sinh DTTS tốt nghiệp đạt trên 87% (năm 2010 là 86,5%).
Ý kiến ()