Hiệu quả chính sách hỗ trợ học sinh các trường chuyên biệt
Giờ học sử dụng công nghệ thông tin của học sinh Trường phổ thông |
Hiện nay, toàn tỉnh có 730 đơn vị, trường học (giảm 13 trường so với năm 2017), trong đó có 113 trường học chuyên biệt gồm: 101 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), 11 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và 1 trường chuyên Chu Văn An. Ngoài trường chuyên Chu Văn An thì mô hình trường phổ thông chuyên biệt được đầu tư xây dựng thêm các phòng ở, nhà bếp, nhà ăn và các công trình phụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho học sinh. Trong những năm qua, học sinh các vùng khó khăn được quan tâm hỗ trợ gạo, tiền theo Nghị định 116/2010/NĐ – CP của Chính phủ, theo đó, các em được hỗ trợ 15 kg gạo/học sinh/tháng và hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/học sinh/tháng trong thời gian 9 tháng. Trong học kỳ 2, năm học 2017 – 2018, toàn tỉnh có 40.216 học sinh bán trú được hỗ trợ gạo với hơn 2.413 tấn gạo.
Cùng với đó, các học sinh ở nội trú, trường PTDTBT ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Theo đó, trong năm học 2017 – 2018, toàn tỉnh có 54.454 học sinh thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập; 37.361 học sinh thuộc diện miễn học phí; 10.969 học sinh được giảm 70% học phí; 7.059 học sinh được giảm 50% học phí.
Những chính sách hỗ trợ ưu việt đó đã “tiếp sức”, thu hút học sinh đến trường và nâng cao tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng học tập. Ví như ở Trường PTDTBT THCS xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định, trường có 4 lớp với hơn 60 học sinh. Các em đều ở khá xa trường, việc đi lại, học tập rất khó khăn. Nhưng với mô hình trường bán trú, các em được ở lại trường, học 2 buổi/ngày (buổi sáng học các tiết chính khóa, buổi chiều học sinh được học phụ đạo, bồi dưỡng thêm kiến thức). Vì vậy, hằng năm nhà trường luôn duy trì sỹ số ổn định, không có học sinh bỏ học; tỷ lệ chuyên cần đạt trên 95%; kết quả phổ cập giáo dục cũng được duy trì, đạt phổ cập mức độ 1…
Về kết quả đánh giá xếp loại học lực khá, giỏi, hạnh kiểm khá, tốt trong năm học 2016 – 2017, đối với các trường PTDTNT và PTDTBT đều tăng so với năm học trước. Trong đó, chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường PTDTNT – THCS luôn đứng tốp đầu so với các trường cùng cấp trên địa bàn, với tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt trên 38%. Chất lượng giáo dục các trường PTDTBT có chuyển biến tích cực: cấp tiểu học có 99,2% học sinh được đánh giá hoàn thành về phẩm chất và năng lực, tăng 0,24% so với năm học trước; cấp THCS học lực khá, giỏi đạt 33,59%, tăng 2,56% so với năm học trước.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Mặc dù cơ sở vật chất phục vụ ăn ở, sinh hoạt cho học sinh bán trú còn thiếu thốn nhưng với các chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn đã tạo điều kiện cho học sinh đến trường, đặc biệt là các em trong diện bán trú, thuộc diện nghèo. Từ đó góp phần giúp các trường làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh bỏ học. Thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường công tác rà soát, sắp xếp các điểm trường phù hợp để thành lập các trường bán trú nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại các khu vực khó khăn trên địa bàn.
Ý kiến ()