Hiệu quả chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học
(LSO) – Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học với chi phí đầu tư thấp; giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường… đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh áp dụng hiệu quả.
Ông Lê Khắc Trường, thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Gia đình tôi chăn nuôi từ năm 1995. Tuy nhiên, phải đến năm 2013, tôi mới biết đến mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Từ đó đến nay, nhận thấy hiệu quả, tôi thường xuyên duy trì, áp dụng. Bình quân mỗi năm tôi nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng 3.000 – 4.000 con. Sau 3 tháng, gà nuôi trên nền đệm lót sinh học có trọng lượng từ 2,2 – 2,4 kg/con, tăng 0,3 -0,5 kg/con so với trước đây. Trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập từ 100 – 120 triệu đồng/lứa. Sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm mùi hôi chuồng trại; đệm lót khô; giữ ấm mùa đông, thoáng mát mùa hè; hạn chế tối đa các bệnh: hen, tiêu chảy. Đặc biệt, sau mỗi lứa gà, tôi còn tận dụng đệm lót để bón cây hoặc bán cũng thu về được một khoản chi phí.
Người dân xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan chăm sóc đàn gà nuôi trên nền đệm lót sinh học
Ngoài gia đình ông Trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang có khá nhiều hộ gia đình, trang trại áp dụng biện pháp chăn nuôi này. Tiêu biểu trong số đó là hộ gia đình bà Nông Thị Anh, thôn Lạng Giai A, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng. Trước đây, gia đình bà Anh chủ yếu chăn nuôi theo phương thức thủ công truyền thống nên hiệu quả không cao. Thậm chí, đã có một thời gian bà nghỉ chăn nuôi.
Bà Anh cho biết: Từ năm 2016, tôi tham gia thực hiện mô hình đệm lót sinh học (áp dụng trong chăn nuôi) do Trung tâm Ứng dụng phát triển Khoa học Công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm tỉnh triển khai. Nhận thấy hiệu quả, từ đó hằng năm tôi đầu tư, áp dụng thực tế tại gia đình. Với diện tích chuồng 30 m2, tôi chỉ mất chi phí đầu tư khoảng 400 nghìn đồng là đã có đệm lót sinh học cùng 150 con gà giống. Chăn nuôi theo hình thức này gà thường rất khỏe mạnh, lớn đồng đều, ít bị bệnh, lông tơi mượt và sạch; thịt ngon và chắc hơn…
Tìm hiểu được biết, đệm lót sinh học có thể áp dụng để chăn nuôi cả lợn và gà. Theo đó, trước khi thả con giống vào chuồng, bà con làm đệm lót sinh học bằng cách rải trấu, mùn cưa, cám…lên toàn bộ diện tích mặt chuồng rồi sử dụng chế phẩm sinh học (theo đúng tỉ lệ) tưới hoặc rắc đều lên, trộn và ủ khoảng 10 ngày. Hoàn thiện quy trình làm đệm lót, thả con giống vào, bà con không cần phải quét dọn chuồng trại như trước đây nữa mà vẫn đảm bảo con vật sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh…
Đặc biệt, toàn bộ lớp đệm lót chăn nuôi này, sau khi loại bỏ, bà con có thể tận dụng để bón các loại cây trồng rất hiệu quả. Bởi, đây chính là nguồn phân vi sinh có giá trị dinh dưỡng cao và dễ hấp thu đối với cây trồng. Sử dụng nguồn phân này giúp tăng độ phì nhiêu cho đất; tiêu diệt côn trùng; giảm chi phí mua phân vô cơ; giảm thiểu bệnh hại; tăng khả năng đề kháng; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng…
Ông Lý Văn Đạo, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học sử dụng chế phẩm vi sinh có rất nhiều ưu điểm như: giảm mùi hôi chuồng trại, loại trừ các mầm bệnh có hại; hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm bệnh tật, giảm công lao động, giảm chi phí, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Từ đó, từng bước thay đổi phương pháp chăn nuôi truyền thống; hướng tới chăn nuôi tập trung, an toàn, hiệu quả, bền vững…tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, đây là một mô hình có tính ứng dụng cao vì có thể áp dụng cho hộ gia đình hoặc trang trại mà vẫn đáp ứng được các chỉ tiêu cơ bản về tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()