Hiệu quả cao từ trồng lúa theo phương pháp canh tác SRI
Bắt đầu đưa vào ứng dụng từ năm 2003, phương pháp canh tác lúa theo SRI (hệ thống canh tác lúa cải tiến) cho nhiều kết quả nổi bật; mang lại năng suất cao, đồng thời khắc phục được những hạn chế cơ bản trong tập quán canh tác lúa nước của nông dân hiện nay như gieo sạ dày, lạm dụng hóa chất,...
|
Ruộng lúa áp dụng theo phương pháp SRI cho năng suất cao (Ảnh: laocai.gov.vn) |
Hiệu quả cao từ ứng dụng thâm canh SRI
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật các tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra), lúa được canh tác bằng phương pháp cấy chiếm khoảng 70-90% diện tích mỗi vụ. Trong khi đó các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết diện tích lúa được sản xuất bằng phương pháp sạ. Trong đó, việc sử dụng phân đạm quá mức và cấy/gieo sạ dày còn phổ biến. Đây là nguyên nhân chính làm giảm khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa, giảm năng suất lúa, ô nhiễm môi trường,…
Nhằm tìm ra giải pháp khắc phục, từ năm 2003, qua chương trình IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp), Cục Bảo vệ thực vật đã tìm hiểu và giới thiệu SRI để nông dân thử nghiệm. Trong đó, năm 2003 và 2004, SRI đã được áp dụng thử nghiệm trên lúa cấy ở Hòa Bình, Hà Nội, Quảng Nam, cho thấy, nông dân có khả năng ứng dụng SRI, đồng thời canh tác SRI có thể khắc phục được những hạn chế cơ bản trong tập quán canh tác lúa nước của nông dân hiện nay như: gieo sạ dày, lạm dụng hóa chất.
Bên cạnh đó, lúa áp dụng canh tác theo SRI có hiệu quả vượt trội so với phương pháp canh tác thông thường. Cụ thể, áp dụng theo SRI giúp lượng thóc giống giảm từ 70-90% (lúa cấy), giảm 39-65% (gieo thẳng), phân đạm giảm 20-28%, năng suất bình quân tăng từ 9-15%; chi phí bảo vệ thực vật giảm từ 39-62% so với sản xuất truyền thống. Lợi nhuận thu được của ruộng áp dụng các nguyên tắc SRI tăng trung bình 15-35%.
Mặt khác, canh tác theo SRI tạo cho vùng sinh thái đồng ruộng hạn chế dịch hại phát triển như: bệnh khô vằn, ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ,… đồng thời tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh của cây lúa, tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí về thủy lợi. Ngoài ra, kết quả đo phát thải của Viện Nghiên cứu Nông hóa thổ nhưỡng trong vụ Hè Thu 2013 tại Bình Định và Quảng Bình cho thấy, khu vực áp dụng SRI làm giảm đáng kể phát thải nhà kính trên đồng ruộng so với canh tác truyền thống. Trong đó, CH4 giảm 21-14%; N2O giảm 15-22%, CO2 giảm 22-27%; tiềm năng nóng lên toàn cầu ở ruộng canh tác truyền thống cao hơn so với ruộng SRI từ 26-32%.
Thêm vào đó, áp dụng SRI, cây lúa có khả năng chống chịu tốt hơn đối với những tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan, ít bị đổ ngã trong điều kiện mưa bão, hạn hán. Canh tác theo SRI, nhu cầu nước tưới cho ruộng lúa giảm, điều này hữu ích trong việc duy trì sản xuất lúa trong điều kiện khan hiếm nguồn nước tưới hiện nay.
Những nguyên tắc cơ bản của canh tác SRI
Nhằm tiến hành thâm canh SRI hiệu quả, theo Cục Bảo vệ thực vật, cần tiến hành áp dụng đầy đủ các nguyên tắc. Trong đó, áp dụng trên lúa cấy cần tuân thủ: cấy mạ non, khỏe (2-2,5 lá), mỗi khóm chỉ cấy 1 mạ, cấy thưa, cấy vuông mắt sàng; tưới tiêu đảm bảo duy trì đất ruộng khô ướt xen kẽ; xới xáo mặt ruộng để thông khí cho đất, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh để cải tạo độ phì của đất.
Bên cạnh đó, SRI áp dụng trên lúa gieo thẳng cần: gieo thưa, gieo vãi dưới 2kg giống/sào (gieo bằng dụng cụ sạ hàng dưới 1,5kg/sào); tưới tiêu đảm bảo duy trì đất ruộng khô ướt xen kẽ; xới xáo mặt ruộng để thông khí cho đất; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh. Quy trình điều tiết nước đảm bảo khô ướt xen kẽ đối với chân đất thịt nặng đến trung bình. Cụ thể, tưới nước ngập mặt ruộng (3-5cm), giữ nước trong vòng 3-4 ngày, tiếp tục rút nước ruộng để khô 7-10 ngày cho đến khi ruộng nẻ chân chim. Sau đó, lặp lại quy trình liên tục cho đến giai đoạn lúa chắc xanh. Từ chắc xanh đến thu hoạch duy trì mặt ruộng khô.
Cần gắn kết SRI với “Chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn”
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, khi tổ chức thực hiện SRI trên quy mô lớn (cánh đồng lớn) thường gặp những khó khăn như: việc gieo cấy không tập trung, các giống có thời gian sinh trưởng khác nhau, hệ thống thủy lợi nội đồng không đảm bảo, cánh đồng thiếu bằng phẳng,… Đây là những nguyên nhân gây khó khăn trong việc điều tiết nước theo yêu cầu khô ướt xen kẽ. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả của SRI còn hạn chế, thiếu sự hợp tác với cán bộ thủy nông, nhận thức của cán bộ thủy lợi về yêu cầu kỹ thuật tưới nước theo SRI còn nhiều thiếu sót,…
Nhằm khắc phục khó khăn, phát triển lúa theo thâm canh SRI, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh việc ứng dụng SRI theo nội dung Quyết định số 3062/QĐ-BNN-KHCN ngày 15/10/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc công nhận “Ứng dụng hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa ở một số tỉnh phía Bắc” là tiến bộ kỹ thuật; thực hiện Đề án kèm theo Quyết định số 3119/QĐ-BNN-KHCN về việc Phê duyệt Đề án giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020. Bên cạnh đó, tiến hành cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng (tưới và tiêu) gắn với cải tạo mặt bằng đồng ruộng. Thực hiện SRI gắn kết với “Chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn”. Liên kết chặt chẽ với quản lý thủy lợi ở cấp hợp tác xã giúp cho việc điều tiết nước thuận lợi theo yêu cầu SRI. Đào tạo đội ngũ kỹ thuật thành thạo về SRI, IPM để hướng dẫn, giúp đỡ nông dân. Mỗi hợp tác xã cần đào tạo đội ngũ nông dân nòng cốt có kỹ năng tốt về SRI để hướng dẫn cho những nông dân khác. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến, xây dựng và quảng bá mô hình ứng dụng SRI hiệu quả.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()