Hiệu quả cao từ mô hình chăn thả lợn rừng
Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, mô hình nuôi lợn rừng của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã tạo ra sản phẩm được thị trường ưa chuộng, giúp tăng thêm thu nhập cho người sản xuất.
Chăn thả lợn rừng đã giúp nhiều hộ gia đình ở bản Suối Chép, xã Yên Bình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo sự hướng dẫn của cán bộ xã Yên Bình, chúng tôi đến tham quan mô hình chăn thả lợn rừng của gia đình ông Lường Văn Ón ở bản Hơn. Những năm trước, dù luôn nỗ lực làm ruộng, làm nương song đời sống gia đình ông Ón vẫn gặp rất nhiều khó khăn do năng suất cây trồng thấp. Năm 2008, ông Ón bắt đầu chăn thả lợn rừng trên diện tích đất đồi rừng của gia đình.
Lặn lội sang tận huyện Bát Xát (Lào Cai) để mua 3 cặp lợn rừng giống về nuôi. Những tháng đầu, do chưa nắm được kỹ thuật chăn thả nên ông gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị bệnh cho lợn. Lứa lợn sinh sản đầu tiên chỉ được 2 lợn con. Không nản chí, ông Ón tiếp tục tìm tòi và bổ sung kiến thức, kinh nghiệm cho mình. Nhờ rút kinh nghiệm nên hiệu suất sinh sản, sinh trưởng của đàn lợn đã dần được nâng lên, có thời điểm gia đình ông Ón duy trì tổng đàn lợn rừng lên tới gần 100 con.
Hiện nay, mỗi con lợn đẻ trung bình 9 – 11 con/lứa, bình quân mỗi năm sinh sản thêm 50 – 60 con. Sau khi nuôi khoảng 7 – 8 tháng, lợn có thể đạt trọng lượng 15 – 16 kg/con hoặc 23 – 25 kg/con sau 12 tháng nuôi. Giá bán lợn rừng hiện nay trung bình khoảng 150.000 – 180.000 đồng/kg. Hàng năm, việc xuất bán lợn giống và lợn thịt đã mang lại cho gia đình ông Ón khoảng trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các loại.
Cũng đầu tư chăn thả lợn rừng, gia đình chị Hoàng Thị Bé ở bản Suối Chép cũng đang duy trì đàn lợn gần 50 con. Chị Bé cho biết: “4 năm trước, gia đình tôi nuôi 10 lợn nái, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 30 con, thu về trên dưới 100 triệu đồng. So với các giống lợn khác, nuôi lợn rừng có hiệu quả kinh tế hơn hẳn vì nhờ ăn các loại thức ăn tự nhiên nên thịt lợn rừng nhiều nạc, rất ít mỡ, lớp da dày nhưng rất giòn và luôn được người tiêu dùng ưa thích hơn các loại lợn khác”.
Gia đình ông Lường Văn Ón và gia đình chị Hoàng Thị Bé chỉ là hai trong số hàng chục gia đình phát triển chăn thả lợn rừng ở xã Thịnh Hưng hiện nay. Từ thành công của những mô hình đầu tiên, bà con trong xã đã tích cực tìm hiểu, học tập kinh nghiệm chăn thả lợn rừng của các hộ đi trước. Nếu như trước đây, việc nuôi lợn rừng thả rông trên đồi còn xa lạ với nhiều người thì giờ đây, phát triển chăn thả lợn rừng đã trở thành một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, với giá trị kinh tế thu được gấp từ 3 – 4 lần những giống vật nuôi khác. Theo thống kê, trên địa bàn xã Thịnh Hưng hiện có trên 20 gia đình tham gia nuôi lợn rừng với tổng đàn lợn sinh sản trên 300 con.
Theo những người có nhiều kinh nghiêm nuôi lợn rừng ở xã Yên Bình thì lợn rừng thích nghi khá tốt với điều kiện khí hậu của địa phương. Các thôn, bản trong xã lại có diện tích đất đồi rộng thuận lợi cho việc chăn thả. Nuôi lợn không phải đầu tư nhiều lại có thể tận dụng được các loại rau, củ, quả dư thừa và cây cỏ rừng. Ban ngày, người nuôi sẽ thả lợn rừng để chúng lên đồi tìm ăn cây cỏ trong tự nhiên; ngoài ra có thể cho lợn ăn hỗ trợ thêm cây chuối và các loại thức ăn giàu tinh bột như ngô, khoai, sắn, thóc xay… vào buổi trưa và buổi tối. Cần lưu ý là lợn rừng là loài có bản năng hoang dã nên thường sợ tiếng động mạnh; cần chăn thả ở những địa hình có nhiều cây cối, yên tĩnh. Thực tế chăn thả cho thấy, lợn rừng có sức đề kháng cao; từ khi phát triển chăn thả lợn rừng, xã Thịnh Hưng chưa xảy ra dịch bệnh.
Trao đổi về hiệu quả và triển vọng của mô hình chăn thả lợn rừng trên địa bàn xã, ông Lương Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng cho biết: “Vốn là xã còn nhiều khó khăn, trước đây hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Thịnh Hưng còn rất hạn chế. Song từ khi pháp triển mô hình chăn thả lợn rừng đến nay, lợi thế đất đồi rừng của địa phương đã được khai thác tốt, qua đó bước đầu mở ra hướng sản xuất hiệu quả giúp tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong xã”.
Đầu ra của sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế cao, phát triển chăn thả lợn rừng đã mở ra hướng xóa nghèo và làm giàu cho bà con nông dân ở xã vùng cao Thịnh Hưng. Được biết, mới đây một số trang trại trên địa bàn xã đã được nhà nước đầu tư để phát triển chăn thả lợn rừng. Xã Thịnh Hưng cũng đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật giúp bà con duy trì và nhân rộng mô hình chăn thả lợn rừng theo hướng hàng hóa.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()