Thứ 6, 22/11/2024 06:53 [(GMT +7)]
Hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng ở Hòa Bình
Thứ 7, 12/03/2011 | 09:14:00 [(GMT +7)] A A
Hòa Bình là tỉnh miền núi, cách Thủ đô Hà Nội 70 km về phía Tây bắc – nơi có công trình thế kỷ Thủy điện Hòa Bình; dân số hơn 80 vạn người, gồm bảy dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 60% số dân trong tỉnh. Những năm qua, hệ thống giáo dục quốc dân ở Hòa Bình ngày càng phát triển và có nhiều khởi sắc. Việc triển khai xây dựng xã hội học tập (XDXHHT) giai đoạn 2005 – 2010 có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hòa Bình Nguyễn Minh Thành cho biết, thời gian qua, phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh đã phát triển nhanh và đạt nhiều kết quả cao. Đến nay, Hòa Bình có 11 trong số 11 huyện, thành phố, 210 trong số 210 xã, phường, thị trấn thành lập hội khuyến học, đạt tỷ lệ 100%. Đã có 1.729 trong số 2.108 tổ, xóm, thôn, bản thành lập hội khuyến học với 2.675 hội viên. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự chủ động, tích cực của ngành GD và ĐT, của Hội Khuyến học, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng tâm nhất trí ủng hộ sự nghiệp giáo dục và nhu cầu học tập đã được nâng lên ở mỗi người dân. Tính đến năm 2010, các tiêu chí của mục tiêu xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010 đã được hoàn thành, trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành trước thời hạn và vượt mức quy định chung của cả nước. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 đến 35 đạt 99,5% vào năm 2010; trẻ em từ sáu đến mười tuổi có hoàn cảnh khó khăn không được đến trường phổ thông đã được huy động đi học đạt tỷ lệ 75,8%. Tỷ lệ cán bộ cấp xã và cấp huyện được bồi dưỡng cập nhật kiến thức về lý luận, chính trị, quản lý nhà nước, pháp luật, kinh tế – xã hội tăng nhanh: năm 2010 có 18.233 trong số 19.949 người, đạt 91,4%; tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức cấp tỉnh được bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ tăng từ 78% năm 2005 lên 100% năm 2010. Hằng năm, những đơn vị làm tốt công tác này như Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu, Đà Bắc huy động hàng trăm lượt cán bộ cấp xã, cấp huyện theo các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức.
Đáng chú ý trong năm năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) của tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Toàn tỉnh đã xây dựng được 210 TTHTCĐ, đây thật sự là 'trường học của nhân dân', là yếu tố quan trọng để thực hiện xã hội học tập. Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2010, toàn tỉnh đã huy động hơn hai triệu lượt người theo học tại các TTHTCĐ, trong đó có hơn 24 nghìn người học theo các hình thức xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 đến 35 trở lên và giáo dục tiếp tục sau biết chữ. Mặc dù các TTHTCĐ mới ra đời và gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng bước đầu đã có hiệu quả trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân ở cộng đồng được tham gia nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống khác nhau, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống liên quan tăng thu nhập. Hình thức học tập tại trung tâm rất đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của nhân dân và từ đó, người dân có thêm các kiến thức, kỹ năng lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống văn hóa. Ngoài học văn hóa, TTHTCĐ còn tổ chức các lớp học xóa mù chữ, sau xóa mù chữ, từ khi có TTHTCĐ, nhiều người dân, nhất là phụ nữ, người nghèo, người có trình độ văn hóa hạn chế… có cơ hội được tham dự các buổi nói chuyện, tọa đàm, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, được đọc sách báo, tư vấn, trao đổi kinh nghiệm về các chủ đề khác nhau như: sản xuất, sức khỏe dinh dưỡng, pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, trung tâm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn; các hoạt động tư vấn sức khỏe cộng đồng, dân số – kế hoạch hóa gia đình.
Cùng với đó, các trung tâm đã góp phần giúp người lao động biết cách sản xuất kinh doanh góp phần xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu làm giàu chính đáng. Nhờ biết chọn nội dung phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế ở địa phương, TTHTCĐ các phường, xã đã tổ chức được nhiều chuyên đề thiết thực như: kỹ thuật nuôi bò lai tại xã Yên Lạc, huyện Yên Thủy; kỹ thuật nuôi lợn siêu nạc tại Cao Phong; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang cây hoa hồng ở Lương Sơn; dạy nghề mây tre đan tại Lạc Thủy, Yên Thủy; kỹ thuật trồng nấm mộc nhĩ ở Lạc Thủy, Yên Thủy. Ngoài ra còn chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại Đà Bắc, Cao Phong; tuyên truyền và tiêm vắc-xin phòng chống bệnh lở mồm long móng ở trâu, bò, phòng chống dịch H5N1 ở gà tại Yên Thủy…
Mô hình TTHTCĐ cấp xã được xây dựng thí điểm tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc vào tháng 10-1998, đến nay đã nhân rộng ra 214/214 xã, phường, thị trấn, thu hút hơn 462 nghìn lượt người học chuyên đề tại TTHTCĐ và hơn 562 nghìn lượt học viên theo học các chương trình về giáo dục huấn luyện, huy động hơn 477 nghìn lượt học viên tham gia vào các hoạt động văn hóa như đọc sách báo, sinh hoạt câu lạc bộ thơ, hoạt động văn hóa, văn nghệ… Toàn tỉnh có 86 trong số 210 TTHTCĐ có trụ sở hoạt động riêng; 93 TTHTCĐ đã mở tài khoản và 94 TTHTCĐ có thiết bị nghe nhìn; 96/210 TTHTCĐ có tủ sách cộng đồng. Để có được những kết quả đó, Sở GD và ĐT Hòa Bình đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo về công tác quản lý và tổ chức hoạt động của trung tâm để đưa việc học tập cộng đồng thành một phong trào tốt, thu hút sự quan tâm của mọi người, chú trọng tới công tác tuyên truyền vận động để nhân dân nắm bắt rõ vai trò và ý nghĩa của học tập cộng đồng, quan trọng hơn cả là việc tổ chức các buổi học tập hiệu quả và có sức thuyết phục. Hằng năm, Sở GD và ĐT đều tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cốt cán của các huyện, thị xã về TTHTCĐ và tổ chức kiểm tra định kỳ, đánh giá hoạt động của TTHTCĐ.
Vì thế, để nâng cao chất lượng đào tạo, các TTHTCĐ cần xây dựng những kế hoạch cụ thể nhằm thu hút học viên và đào tạo sát với thực tế nhằm giúp học viên có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi trung tâm cần thường xuyên tìm hiểu nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn, từ đó chọn hướng đào tạo sao cho phù hợp. Mô hình TTHTCĐ hoạt động có hiệu quả sẽ làm tiền đề và cơ sở vững chắc để xây dựng một xã hội học tập từ cơ sở, mà ở đó ai cũng được học tập, cống hiến, phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ con người, hỗ trợ thực hiện các dự án ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực cho địa phương.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()