Bên cạnh những kết quả đó thì hiện nay, việc dạy nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ cũng còn một số khó khăn nhất định như Trung tâm dạy nghề của huyện còn thiếu đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu của người học. Các lớp học tổ chức học theo quy định, còn người học phụ thuộc chủ yếu vào mùa vụ. Do vậy, việc tổ chức các lớp học còn gặp nhiều khó khăn; vấn đề kinh phí tổ chức lớp không được cấp kịp thời nên không tranh thủ được thời gian nông nhàn của bà con.
LSO-Thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020”, trong năm 2011, huyện Chi Lăng đã tổ chức được 11 lớp đào tạo nghề cho LĐNT trình độ sơ cấp và học nghề dưới 3 tháng cho 827 đối tượng. Số LĐNT tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo và hộ nghèo. Thời gian qua, huyện đã tập trung mở các lớp theo nhu cầu đào tạo của LĐNT như: kỹ thuật trồng, bảo quản và chăm sóc na; kỹ thuật chăn nuôi gia cầm; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật trồng rừng kinh tế; kỹ thuật trồng và sấy thuốc lá…
Nghề trồng nấm hiện nay được nhiều LĐNT huyện Chi Lăng theo học
và ứng dụng vào thực tiễn để phát triển theo hướng hàng hóa
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Chi Lăng cho biết: với những nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT năm 2011 đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện lên 31,58%, tăng hơn 3% so với năm 2010. Đánh giá về hiệu quả hoạt động dạy nghề cho LĐNT tại địa phương, chúng tôi cho rằng, LĐNT khi tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành để vận dụng những kiến thức đã học vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Vì vậy, có trên 75% học viên có việc làm và biết cách vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Xác định hướng phát triển kinh tế của huyện giai đoạn 2011-2015 vẫn là tập trung phát triển nông nghiệp, vì vậy việc lựa chọn các nghề điểm là các nghề trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp được xem là chủ yếu. Mục đích chính nhằm đảm bảo thông qua học nghề người học có khả năng tự tạo việc làm tại chỗ, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động của LĐNT, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động, góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập và giá trị sản phẩm hàng hóa ở khu vực nông thôn. Đồng thời giảm nghèo bền vững, qua đó xây dựng các vùng chuyên canh, chuyên con có thế mạnh ở địa phương như: vùng trồng na, vùng trồng thuốc lá, vùng chăn nuôi lợn… Những nghề nói trên, thực tế cho thấy 80% LĐNT sau đào tạo sử dụng đúng nghề, áp dụng có hiệu quả, đồng thời sản phẩm hàng hóa được thị trường chấp nhận, tiêu thụ nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên thành hộ khá giả. Đáng chú ý, lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản na được tổ chức gắn với lợi thế của LĐNT trên địa bàn, đó là vùng đất trồng na.
Chính vì vậy, lớp đào tạo tổ chức nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của LĐNT, ngoài 35 người đăng ký học thì còn thu hút rất nhiều LĐNT khác đã sắp xếp thời gian đến học “dự thính”. Chương trình đào tạo đã tập trung xây dựng 3 mô hình, đó là mô hình trồng mới 500 cây na để học viên vận dụng kiến thức chọn cây giống và tạo tán; mô hình chăm sóc na giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh để học viên biết cách tạo tán, chăm sóc quả, định lượng quả, thụ phấn; mô hình trẻ hóa vườn na, nhằm cải tạo vườn na già cho năng suất thấp thành vườn na trẻ có năng suất cao, để học viên học kỹ thuật đốn tỉa, tạo tán, chăm sóc, phòng và trị sâu bệnh hại na… Hiện nay, sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng đã có thương hiệu “Na Chi Lăng”, đó cũng là một lợi thế để LĐNT trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển cây na thành cây kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Chị Triệu Thị Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng khẳng định: gia đình tôi cũng trồng nhiều na, việc được tham gia đào tạo kỹ thuật trồng na đã giúp gia đình tôi biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn na của mình, giúp cải tạo vườn na cho năng suất, chất lượng tốt hơn. Cùng với mô hình na thì hiện nay, tại Chi Lăng, mô hình chăn nuôi lợn và gà cũng được LĐNT áp dụng sau khi học một cách rộng rãi. Điển hình như mô hình chăn nuôi gà thả vườn ở hai xã Vân Thủy, Bắc Thủy hiện có khoảng 20 hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại hộ từ 200 đến 500 con, mang lại thu nhập từ 10-15 triệu đồng/năm. Đối với dạy nghề phi nông nghiệp, hiện nay huyện Chi Lăng chưa có các khu công nghiệp và chưa có các cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu công việc của các doanh nghiệp nên chưa tổ chức được các lớp dạy nghề phù hợp. Hiện nay, huyện mới chỉ tổ chức được các lớp dạy nghề mang tính dịch vụ phi nông nghiệp như sửa chữa, bảo dưỡng máy nông nghiệp cho LĐNT trên địa bàn huyện.
Trao chứng chỉ cho các học viên lớp học nghề kỹ thuật trồng na
Bên cạnh những kết quả đó thì hiện nay, việc dạy nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ cũng còn một số khó khăn nhất định như Trung tâm dạy nghề của huyện còn thiếu đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu của người học. Các lớp học tổ chức học theo quy định, còn người học phụ thuộc chủ yếu vào mùa vụ. Do vậy, việc tổ chức các lớp học còn gặp nhiều khó khăn; vấn đề kinh phí tổ chức lớp không được cấp kịp thời nên không tranh thủ được thời gian nông nhàn của bà con.
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của huyện Chi Lăng khẳng định: thời gian tới chúng tôi sẽ nỗ lực khắc phục những khó khăn trên và tiếp tục phấn đấu đào tạo nghề cho khoảng 800 lao động trong năm 2012. Tập trung vào một số nghề như chăn nuôi, trồng rừng kinh tế, trồng chè, trồng nấm ăn, trồng rau sạch và nhân rộng mô hình na. Cùng với đó là các nghề cơ khí, sửa chữa xe máy, nghề hàn, sửa chữa máy nông nghiệp và nghề may công nghiệp nhằm đáp ứng được nhu cầu học nghề của LĐNT trên địa bàn. Thông qua đó sẽ góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững cũng như nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của địa phương, đóng góp kết quả vào tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện nhà.
Thanh Huyền
Ý kiến ()