Hiệu quả các hợp tác xã chăn nuôi
LSO-Không còn ì ạch, bị động như trước, 2 năm trở lại đây, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng.
Mô hình nuôi thỏ của HTX Nông nghiệp xanh, huyện Bắc Sơn |
Nỗ lực vượt khó
So với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, các HTX trong lĩnh vực chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Khó khăn từ vốn, quy mô, hình thức sản xuất, tác động dịch bệnh đến thị trường tiêu thụ… Thế nhưng, không chịu lùi bước, nhiều HTX vẫn tìm ra cho mình hướng vượt khó hiệu quả. Điển hình là HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc. Thành lập từ năm 2006, hoạt động chính của HTX là chăn nuôi. Thế nhưng do thiếu vốn, HTX hoạt động ì ạch, có lúc phải tạm ngừng hoạt động. Để có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, một mặt, HTX đem toàn bộ tài sản hiện có thế chấp vay vốn, mặt khác kêu gọi đầu tư, kết nạp thêm thành viên… Nguồn vốn dần được nâng lên, hoạt động của HTX từng bước đi vào ổn định. Nếu như năm 2006, HTX mới chỉ có 100 triệu đồng vốn điều lệ thì đến nay, tổng vốn đầu tư của HTX lên tới 43 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực chăn nuôi lợn nái chiếm phần lớn số vốn và HTX Hợp Thịnh đã vươn lên trở thành HTX hàng đầu của tỉnh.
Một ví dụ khác là HTX dịch vụ, chăn nuôi Thu Hiền, huyện Văn Quan. Được thành lập từ cuối năm 2015 với đa ngành nghề, trong đó có chăn nuôi lợn. Xác định nếu chăn nuôi nhỏ lẻ như trước đây thì rất khó tạo được chuyển biến nên tháng 7/2016, HTX vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng đầu tư mua đất, xây dựng chuồng trại cùng một số công trình hạ tầng. Ngoài ra, HTX còn làm đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi nên tiết giảm một phần chi phí. Hiện nay, mỗi lứa HTX nuôi khoảng 300 con lợn thịt. Với giá cả ổn định HTX đã thu được hàng trăm triệu đồng/lứa.
Đẩy mạnh liên kết
Thay đổi cách chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tiếp cận được nguồn vốn, được tạo điều kiện về mặt bằng để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng đó mới chỉ là những điều kiện cần để HTX có cơ hội đầu tư sản xuất. Để tạo chuyển biến rõ nét cũng như đem lại hiệu quả thiết thực, các HTX đã chủ động liên kết trong sản xuất.
Trở lại câu chuyện của HTX Thu Hiền, huyện Văn Quan. Từ khi đi vào hoạt động, HTX đã chủ động liên kết với Công ty Cổ phần Thiên Hợp thức ăn chăn nuôi Việt Nam giúp đỡ tiếp thị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; Công ty sữa Vinasoy cung cấp bã sữa, qua đó tiết giảm được 35% chi phí thức ăn… Năm 2018, HTX tiếp tục liên kết chặt chẽ với các công ty để đầu tư mở rộng sản xuất (300 con lợn thịt/lứa, 1 năm 2 lứa).
Không dừng lại ở việc liên kết với các doanh nghiệp cung ứng con giống, vật tư. Để tạo sự ổn định, chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm, 9 HTX nông nghiệp trên địa bàn còn liên kết lại để thành lập Liên hiệp HTX Đông Bắc.
Ông Phạm Tiến Thành, Giám đốc Liên hiệp HTX cho biết: Các HTX thành viên đều có thế mạnh riêng nên việc liên kết sản xuất sẽ góp phần nâng cao giá trị chăn nuôi. Ví dụ như mô hình chăn nuôi lợn thịt. Các thành viên trong liên hiệp được hỗ trợ con giống, sau đó lợn thịt sẽ được nuôi theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, Liên hiệp HTX đang xúc tiến xây dựng khu giết mổ tập trung với công suất dự kiến 50 con lợn/ngày; ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi, phân phối các sản phẩm.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 30 HTX chăn nuôi. Trong đó, riêng từ năm 2017 đến nay thành lập mới được 8 HTX chăn nuôi. Một số HTX chăn nuôi điển hình như: HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc; HTX Thu Hiền, huyện Văn Quan; HTX Cấm Sơn, huyện Hữu Lũng; HTX nuôi gà Vạn Linh, HTX nuôi ong Vân Thủy, huyện Chi Lăng; HTX Nông nghiệp xanh, huyện Bắc Sơn; HTX Thịnh Phương, thành phố Lạng Sơn… Với sự nỗ lực, nhạy bén trong sản xuất kinh doanh, nhiều HTX chăn nuôi đã vượt khó vươn lên và trở thành những HTX hàng đầu của tỉnh. Doanh thu bình quân đạt trên 800 triệu đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân người lao động đạt từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Tạo việc làm cho gần 800 thành viên và người lao động.
TÂN AN
Ý kiến ()