Hiệu quả bước đầu trong đấu thầu thuốc tập trung
Hôm qua (3-1), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam công bố kết quả thí điểm đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với năm hoạt chất, tương ứng 20 loại thuốc kháng sinh sử dụng trong chế độ bảo hiểm y tế. Kết quả đấu thầu này cùng kết quả đấu thầu thuốc tập trung của Bộ Y tế đối với năm hoạt chất, tương ứng 22 loại thuốc điều trị ung thư sẽ được áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh từ ngày 1-1-2018. Hình thức đấu thầu tập trung đã cho thấy hiệu quả bước đầu trong việc quản lý giá thuốc.
Kết quả đấu thầu thuốc tập trung của BHXH Việt Nam cho thấy, tổng giá kế hoạch của năm hoạt chất là hơn 1.000 tỷ đồng, giá trúng thầu là 935,99 tỷ đồng. Giá kế hoạch đã giảm từ 5 đến 15% so với chính loại thuốc đã trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong vòng 12 tháng trước. So sánh với giá thuốc trúng thầu bình quân trên cả nước năm 2017, kết quả đấu thầu tập trung đã giảm được 251,13 tỷ đồng. Kết quả này sẽ được áp dụng tại 483 cơ sở khám, chữa bệnh tại 57 tỉnh, thành phố. Trước đó, vào ngày 11-12-2017, Bộ Y tế cũng đã công bố kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức. Giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 477 tỷ đồng so với tổng giá kế hoạch của gói thầu.
Ðánh giá hiệu quả đấu thầu tập trung, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đều cho rằng đã đạt được mục tiêu thống nhất giá thuốc, không có tình trạng chênh lệch giá giữa các địa phương như trước đây; giảm giá thuốc giúp người bệnh đỡ gánh nặng tiền thuốc và tiết kiệm chi tiêu cho quỹ bảo hiểm y tế. Theo dõi kết quả đấu thầu thuốc của BHXH Việt Nam, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, nhà chuyên môn cho rằng, cách xây dựng giá kế hoạch của BHXH Việt Nam phù hợp, khiến giá thuốc giảm một cách thuyết phục. BHXH Việt Nam xây dựng giá kế hoạch mời thầu của các loại thuốc trên cơ sở giá gần thấp nhất của các loại thuốc đã trúng thầu trong 12 tháng trước. Giá trúng thầu thấp hơn giá kế hoạch, cho nên số tiền giảm là thực chất. Có thuốc giá giảm được hơn một nửa so với trước đây, như thuốc Levofloxacin 500mg nhóm ba, giá thuốc bình quân năm 2017 là 50.403 đồng/viên, giá kế hoạch là 38.500 đồng/viên, giá trúng thầu là 22.845 đồng/viên, giảm 54,7%.
Từ thực tế đấu thầu tập trung cho thấy, lâu nay giá thuốc cao một phần là do giá kế hoạch xây dựng cao vì quy định tại Thông tư 11/2016/TT-BYT chưa chặt chẽ. Ðiều 6, Thông tư 11/2016/TT-BYT quy định cơ sở khám, chữa bệnh tham khảo giá trúng thầu còn hiệu lực để xây dựng giá kế hoạch với nguyên tắc giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc đó. Thực tế, nhiều hội đồng đấu thầu đã xây dựng giá kế hoạch bằng giá trúng thầu cao nhất. Trong khi đó, giá trúng thầu cùng một thuốc chênh lệch lớn và các nhà thầu thường dự thầu sát với giá kế hoạch cho nên giá thuốc không thể thấp. Chẳng hạn, thuốc Ceftriaxon 1g tiêm nhóm 3 thì có nơi trúng thầu 7.500 đồng/lọ, có nơi trúng thầu 48.000 đồng/lọ. Nếu lấy mức giá cao để làm giá kế hoạch thì giá trúng thầu không phản ánh được giảm giá thuốc thực chất. Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, giá kế hoạch cần bằng với giá của kỳ đấu thầu trước, như thế mới giảm được giá thuốc. Từ thực tế trên, việc xem xét điều chỉnh quy định tại Thông tư 11/2016/TT-BYT là cần thiết để giá thuốc giảm một cách thực chất.
Kết quả đấu thầu của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí đấu thầu so với trước đây. Ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược – Vật tư (BHXH Việt Nam) cho rằng, BHXH Việt Nam tổ chức đấu thầu trong thời gian khoảng bốn tháng, giải quyết nhu cầu sử dụng thuốc cho 483 cơ sở khám, chữa bệnh. Trong khi đó, nếu đấu thầu riêng tại các tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh thì các hội đồng thầu phải rất nhiều lần tổ chức đấu thầu, mỗi cuộc kéo dài khoảng bốn tháng, nhà thầu mất nhiều thời gian, chi phí đi lại và tiền mua hồ sơ dự thầu.
Sau đấu thầu, vấn đề quan trọng là giám sát chất lượng thuốc và điều phối nhu cầu sử dụng thuốc giữa các cơ sở y tế. Thực tế, sẽ có trường hợp đăng ký mua thuốc ít nhưng sử dụng nhiều do đột biến về tình hình bệnh tật, hoặc đăng ký mua nhiều nhưng sử dụng ít. Do đó, cần có sự theo dõi, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị sử dụng thuốc, đơn vị đấu thầu và nhà thầu để không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, lãng phí thuốc. Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, mục tiêu hướng tới không phải nền y tế giá rẻ mà phải mà là nâng cao chất lượng thuốc để người bệnh dùng thuốc giá hợp lý, bảo đảm chất lượng, sớm khỏi bệnh. Ðể nâng cao chất lượng thuốc, phải dựa vào các đơn vị dùng thuốc vì họ có nhiều kinh nghiệm nhất.
Đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan cần tiếp tục theo dõi, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc cho người bệnh. Trên cơ sở kết quả triển khai thực tế, có thể hướng tới mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương, giảm việc đấu thầu riêng lẻ tại các cơ sở khám, chữa bệnh để tăng thêm hiệu quả cho quỹ bảo hiểm y tế và lợi ích của người bệnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()