Hiệu quả bước đầu sáp nhập trường học
(LSO) – Thời gian qua, ngành giáo dục Lạng Sơn từng bước thực hiện sắp xếp, thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế theo đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Sau hơn 3 năm thực hiện (từ năm 2016 đến nay), toàn tỉnh còn 694 đơn vị, trường học (giảm 49 trường so với năm học 2016 – 2017). Nhờ đó, bộ máy trường, lớp học đảm bảo tinh gọn, chặt chẽ và thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành. Các trường sau sáp nhập đã giảm được 1 hiệu trưởng, 1 kế toán và nhiều chức danh của tổ chức công đoàn, tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn…
Sau sáp nhập, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các đơn vị được thực hiện phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn và vị trí việc làm. Theo đó, các đơn vị trường học nhanh chóng kiện toàn tổ chức đảng, đoàn thể, hội đồng nhà trường và các tổ chuyên môn; xây dựng quy chế hoạt động; thực hiện kiểm kê, quản lý tài chính, tài sản, đất đai; xây dựng phương án xử lý cơ sở vật chất theo đúng quy định của pháp luật nhằm sử dụng hiệu quả kinh phí đầu tư, tinh gọn bộ máy theo hướng chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao hơn.
Học sinh Trường Tiểu học – THCS xã Văn An, huyện Văn Quan được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn sau khi sáp nhập trường
Bà Lành Thị Huệ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan cho biết: Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã sáp nhập được 13 cặp trường và 16 điểm trường lẻ. Những điểm trường sáp nhập phần lớn đều có quy mô nhỏ, ít học sinh, sau khi sáp nhập giúp các trường tận dụng, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, từ đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học trong cùng một địa bàn. Đặc biệt, đối với học sinh ở điểm trường lẻ khi dồn về điểm trường chính, học sinh được hưởng lợi vì được học đầy đủ các môn học, nhiều em được hưởng chế độ bán trú.
Để việc sáp nhập trường diễn ra thuận lợi, trong quá trình tổ chức, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được ngành giáo dục tỉnh quan tâm thực hiện là ổn định tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường khi sáp nhập. Nhờ thực hiện tốt công tác tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các đơn vị yên tâm công tác, không có tình trạng khiếu kiện; chất lượng giáo dục ở các cấp học ngày càng được nâng lên; tỷ lệ học sinh đến lớp, học sinh tham gia thi học sinh giỏi, học sinh đạt kết quả cao trong học tập tăng cả về số lượng và chất lượng; chất lượng bữa ăn của học sinh bán trú được nâng lên, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng…
Kết thúc năm học 2018 – 2019, các chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục của các trường có sự chuyển biến rõ nét. Trong đó, cấp mầm non số trẻ được khám sức khỏe định kỳ đạt 100%, tỷ lệ trẻ phát triển bình thường về cân nặng ở các đơn vị đều đạt cao, tỷ lệ suy dinh dưỡng ngày càng giảm. Cấp tiểu học mức độ hoàn thành chương trình môn Toán và tiếng Việt, phẩm chất và năng lực về cơ bản ổn định so với năm học trước, số học sinh đạt hoàn thành môn tiếng Việt là 99,3%, môn Toán là 99,5%; xếp loại năng lực cuối năm học, số học sinh có học lực đạt yêu cầu và tốt là 99,46% (tăng 0,16% so với năm học 2016 – 2017). Cấp THCS số học sinh đạt học lực khá và giỏi là 66,3% (tăng 2,5% so với năm học 2016 – 2017).
Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại các đơn vị trường học vẫn còn một số hạn chế, bởi khi tiến hành sáp nhập, việc bố trí giáo viên dạy liên trường khó khăn do không cùng địa bàn; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi riêng đối với giáo viên dạy liên trường; nhiều điểm trường sau sáp nhập dồn điểm trường lại có khoảng cách xa, thiếu lớp học và các công trình phụ trợ; một số trường cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị dạy học thiếu thốn, gây khó khăn cho công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc thực hiện đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn đã góp phần thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị… Trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ban, ngành liên quan phấn đấu hoàn thiện việc sáp nhập, sắp xếp tổ chức lại các cơ sở giáo dục; thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh và người dân hiểu về chính sách tinh giản biên chế; chính sách rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học để tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc thực hiện chính sách.
Ý kiến ()