Hiệu quả bước đầu của Đề án 1816
Trong hai năm ấy, tỉnh miền núi Điện Biên nhận được sự hỗ trợ đắc lực và nhiệt tình của các bệnh viện tuyến trung ương: Bạch Mai, Phụ sản, Viện huyết học truyền máu… Tận dụng chất xám của thầy thuốc tuyến trên, ngoài thời gian thực hành tiếp nhận kỹ thuật được chuyển giao, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã tranh thủ tổ chức hàng loạt lớp học do thầy thuốc của bệnh viện tuyến trên đứng lớp cho các cán bộ trong bệnh viện. Theo Giám đốc Bệnh viện Lương Đức Sơn, hơn 150 cán bộ thầy thuốc của bệnh viện đã được học nâng cao trình độ qua các lớp học chuyên đề như gây mê, chẩn đoán hình ảnh, truyền máu an toàn, mổ cắt tử cung theo phương pháp nội soi… Qua các đợt tăng cường của bệnh viện tuyến trên, lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên cảm nhận Đề án 1816 như mang luồng sinh khí mới đến bệnh viện, tạo thêm không khí hăng say làm việc, cán bộ tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm áp dụng công nghệ mới, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, qua đó chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện rõ rệt, thời gian điều trị bệnh rút ngắn và giảm chi phí cho người bệnh và điều quan trọng nữa là tạo niềm tin tưởng của nhân dân đến khám, điều trị tại bệnh viện.
Mặc dù còn rất thiếu cán bộ, nhưng Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên xác định hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới cũng chính là giúp mình. Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho bệnh viện tuyến dưới vừa giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa tiếp cận với trình độ y học hiện đại vừa giảm tải cho bệnh viện tỉnh là giải pháp cơ bản để bệnh viện có thời gian tự đào tạo, đào tạo lại trình độ cho thầy thuốc của bệnh viện. Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã chọn Trung tâm y tế huyện Mường Nhé là đơn vị vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh để giúp sức. Lãnh đạo bệnh viện đã trực tiếp đi khảo sát, tìm hiểu nhu cầu cần hỗ trợ của y tế huyện Mường Nhé sau đó lên kế hoạch chi tiết và cử thầy thuốc có năng lực, có khả năng làm việc độc lập tăng cường cho Mường Nhé. Sau khi đã lựa chọn cán bộ, khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ, để việc tăng cường đạt kết quả cao nhất, Trung tâm y tế huyện Mường Nhé và Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên ký hợp đồng công việc giữa hai bên. Việc ký hợp đồng công việc giữa hai đơn vị nhằm mục đích phân định rõ trách nhiệm giúp cán bộ đi tăng cường yên tâm cống hiến, tập trung chuyển giao kỹ thuật. Còn bệnh viện tuyến dưới có trách nhiệm cử cán bộ học tập tại chỗ, nâng cao hiệu quả công việc, tiếp nhận và sử dụng được kỹ thuật chuyển giao.
Bác sĩ Tao Văn Sân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mường Nhé cho biết: Đón nhận đoàn cán bộ của bệnh viện tỉnh về tăng cường, cán bộ của y tế Mường Nhé đều hồ hởi, sắp xếp thời gian giữa các ca trực để được học tập nhiều nhất. Không chỉ lĩnh vực chuyên môn, cán bộ của Trung tâm còn mạnh dạn đề xuất bệnh viện tỉnh cử cán bộ tài chính kế toán về hướng dẫn thu chi BHYT theo Luật BHYT mới. Nhờ sự tận tình trong chuyển giao kỹ thuật, sau thời gian ba tháng hỗ trợ các thầy thuốc Trung tâm y tế Mường Nhé làm chủ được các kỹ thuật cấp cứu sản khoa như mổ cấp cứu lấy thai, mổ chửa ngoài tử cung, mổ u nang buồng trứng xoắn… Các kỹ thuật ngoại khoa như khâu lỗ thủng dạ dày, kỹ thuật tạo hậu môn nhân tạo, kỹ thuật đọc phim chẩn đoán hình ảnh… đều được sử dụng thành thạo sau khi thầy thuốc của bệnh viện tỉnh rút về.
Theo thống kê của Bộ Y tế, sau hai năm triển khai Đề án 1816, đã có 61 tỉnh, thành phố đón nhận 3.727 lượt cán bộ đến luân phiên, qua đó chuyển giao cho tuyến dưới 1.773 kỹ thuật; hơn 380 nghìn người bệnh được khám, điều trị tại tuyến dưới, trong đó hơn 6.700 ca phẫu thuật được các cán bộ đi luân phiên thực hiện ngay ở cơ sở… giảm một phần ba số người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Ngoài ra, 52 tỉnh, thành phố có kế hoạch và triển khai luân phiên hỗ trợ 231 bệnh viện, phòng khám đa khoa huyện và 452 trạm y tế xã. Đáng chú ý, có tới 36 nghìn bác sĩ, cán bộ y tế tuyến dưới được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Theo đánh giá đây là một việc không dễ làm, nhưng có tác động rất lớn đến hệ thống khám, chữa bệnh. Nhiều gia đình người bệnh đã tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, thời gian và người bệnh cũng được chữa trị kịp thời. Đề án đã tạo cơ hội tốt để các bác sĩ tuyến dưới có điều kiện nâng cao trình độ. Sau một thời gian triển khai, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã làm được, thậm chí làm tốt nhiều kỹ thuật phức tạp chuyên sâu như phẫu thuật sọ não, mổ nội soi ruột thừa, vi phẫu thuật, chạy thận nhân tạo, cấp cứu hồi sức, hóa trị, xạ trị bệnh ung thư. Còn đối với các bệnh viện tuyến trên, việc người bệnh bớt dồn lên từ tuyến dưới tạo điều kiện để các y, bác sĩ có điều kiện thời gian nghiên cứu chuyên sâu, đào tạo, làm kỹ thuật cao.
Với những kết quả và cách làm trong thời gian qua, Bộ Y tế xác định sẽ kéo dài việc triển khai đề án. Thời gian tới, việc luân phiên cán bộ sẽ không chạy theo số lượng mà đi vào chất lượng. Vì thế yêu cầu các bệnh viện tuyến trên trước khi cử cán bộ đi luân phiên cần tổ chức khảo sát kỹ bệnh viện tuyến dưới về trang thiết bị, trình độ, khả năng tiếp nhận của cán bộ… bảo đảm hiệu quả luân phiên cao nhất, đưa 'cái có' đến 'nơi cần'. Đồng thời xây dựng những cơ chế, chính sách cụ thể, chặt chẽ và linh hoạt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện cũng như cán bộ đi luân phiên. Tuy vậy, Đề án 1816 chỉ được coi là một giải pháp mang tính tình thế đối với bài toán nguồn nhân lực của ngành y tế. Bởi dù có cử thêm người xuống vùng sâu, vùng xa khó khăn cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Cán bộ xuống giúp nâng cao chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ tuyến dưới cũng chỉ là cách đào tạo ngắn hạn, cầm tay chỉ việc. Trong khi đó, nhiều kỹ thuật rất phức tạp đòi hỏi trình độ, khả năng tiếp thu của người tiếp nhận phải rất cao và nếu không được đào tạo bài bản thì khó có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cho rằng, việc nâng cao chất lượng đào tạo trong nước vẫn là vấn đề then chốt để đáp ứng nguồn nhân lực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính quyền địa phương cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình đối với việc chăm sóc sức khỏe của người dân, thông qua việc xây dựng các chiến lược về chính sách y tế- xã hội phù hợp, đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực y tế, đề xuất nhu cầu cụ thể về nhân lực để ngành có chính sách về chuyên môn giúp cho tuyến dưới…
Ý kiến ()