LSO-Năm 2011, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức được 81 lớp dạy nghề cho 2.572 lao động nông thôn (LĐNT). Đối tượng học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo (trên 95%), tập trung học các nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp như kỹ thuật trồng nấm ăn, trồng rừng, kỹ thuật chăn nuôi gà, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp... Qua đó, LĐNT tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Do vậy, có trên 70% học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Mô hình hướng dẫn kỹ thuật trồng na của học viên xã Chi LăngSau 2 năm thực hiện đề án 1956...
LSO-Năm 2011, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức được 81 lớp dạy nghề cho 2.572 lao động nông thôn (LĐNT). Đối tượng học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo (trên 95%), tập trung học các nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp như kỹ thuật trồng nấm ăn, trồng rừng, kỹ thuật chăn nuôi gà, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp… Qua đó, LĐNT tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Do vậy, có trên 70% học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mô hình hướng dẫn kỹ thuật trồng na của học viên xã Chi Lăng
Sau 2 năm thực hiện đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, Lạng Sơn đã chủ động lựa chọn các nghề điểm trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cùng với đó tập trung xây dựng vùng chuyên canh, chuyên con ở vùng có cây, con đặc sản như: na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm huyện Cao Lộc; cây hồi Văn Quan, Bình Gia, gà 6 cựa Lộc Bình… Các nghề được lựa chọn xây dựng mô hình và nhân rộng như: kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản na; kỹ thuật chăn nuôi gà công nghiệp bán chăn thả; kỹ thuật nuôi lợn, kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng cây khoai tây (bằng phương pháp làm đất tối thiểu)… Với những nghề nói trên, việc áp dụng vào quá trình phát triển kinh tế hộ phù hợp với điều kiện tại địa phương, đảm bảo trên 80% lao động sau đào tạo sử dụng đúng nghề, đồng thời sản phẩm được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tiêu thụ nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, một số hộ còn vươn lên thành hộ khá và giàu.
Đánh giá về mô hình dạy nghề Kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản na của LĐNT xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tiến sĩ Hoàng Văn Lâm, giảng viên Viện rau quả Trung ương cho biết: 100% học viên sau lớp đào tạo nắm được giá trị, ý nghĩa, hiệu quả, những khó khăn và thuận lợi cũng như các kỹ thuật cơ bản trong việc phát triển cây na. LĐNT đã biết thay đổi tư duy trồng quảng canh, lấy diện tích bù sản lượng sang thâm canh chăm sóc vườn na theo quy trình kỹ thuật để đạt hiệu quả cao; có quan niệm đúng đắn về công tác giống và nhân giống; tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Về hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm cho thấy năng suất vượt trội so với phương pháp trồng truyền thống; chất lượng quả loại A (quả đẹp) chiếm trên 80% (phương pháp truyền thống chỉ đạt 50%), giá bán cao gấp 2 lần so với quả loại B và loại C. Từ thành công của mô hình, đến nay mô hình trồng na nói trên và kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản na đã được nhân dân địa phương 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng hưởng ứng áp dụng, kết quả đã có tiếp 5 lớp học nghề được tổ chức (3 lớp ở huyện Hữu Lũng, 2 lớp ở xã Y Tịch huyện Chi Lăng). Các học viên sau học nghề đều phấn khởi, thi đua trong việc mở rộng diện tích vườn na, áp dụng thành công những kiến thức, kỹ năng tiếp thu được qua lớp học, kết quả các vườn na của các hộ đều cho kết qủa tương đương với mô hình điểm. Cùng với đó, tỉnh còn chọn lựa mô hình dạy kỹ thuật chăn nuôi phòng và trị bệnh cho lợn; mô hình dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi gà cho LĐNT của xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng. Hai mô hình trên đã giúp LĐNT hiểu được quy trình chăn nuôi lợn, gà, từ đó thay đổi tư duy chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo quy trình khoa học.
Bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: trên 90% số LĐNT học nghề áp dụng ngay trong quá trình học vào phát triển nuôi lợn nái tại gia đình, một số gia đình nuôi lợn nái đã sinh sản, bình quân đạt 8 con/đàn và đang chờ xuất chuồng, bước đầu đảm bảo cung cấp giống cho gia đình và một số hộ trên địa bàn. Ước thu nhập mỗi đàn khoảng trên 16 triệu đồng, cho thu lãi khoảng 13 triệu đồng/đàn. Đối với mô hình chăn nuôi gà, các hộ gia đình đã biết áp dụng kỹ thuật được học vào chăn nuôi và mỗi xã có trên 20 hộ gia đình đầu tư nuôi theo mô hình trang trại từ 200 đến trên 500 con gà/hộ gia đình, lợi nhuận bình quân từ 10-30 triệu đồng. Hiện nay nghề chăn nuôi gà đã được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh với 15 lớp đào tạo, khoảng 500 LĐNT học nghề, tập trung nhiều ở các huyện như: Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc. Song song với các nghề nông nghiệp, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức dạy nghề phi nông nghiệp là kỹ thuật chế biến món ăn cho 35 LĐNT thuộc xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Sau 3 tháng học tập, học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và được các nhà hàng ở thành phố Lạng Sơn cam kết nhận 100% học viên vào làm.
Như vậy có thể thấy rằng, qua 2 năm tổ chức thực hiện đề án 1956, hiệu quả bước đầu từ các mô hình dạy nghề đã được khẳng định. Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của LĐNT đối với hoạt động dạy nghề và đáp ứng được nhu cầu học nghề của học viên. Đặc biệt, từ hiệu quả các mô hình dạy nghề này sẽ tạo đà cho việc nhân rộng các nghề thích hợp tại các địa phương khác.
Thanh Huyền
Ý kiến ()