Hiệu quả bước đầu
LSO-Sau hơn 1 năm triển khai Thông tư 43/2015/TT-BYT, ngày 26/11/2015 của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức công tác xã hội (CTXH) ở bệnh viện, hoạt động xã hội tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã được khẳng định bằng hiệu quả công tác.
Nhân viên công tác xã hội tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đón tiếp và hướng dẫn bệnh nhân |
Hoạt động vì bệnh nhân
Do bị sốc tim, anh Hoàng Văn H ở Lộc Bình được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng nguy kịch mà không có người nhà chăm sóc. Qua tìm hiểu được biết, anh H mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng… Làm con nuôi một gia đình, anh ngán ngẩm tình cảnh của mình nên sa vào nghiện ngập và vi phạm pháp luật. Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, tổ CTXH đã đề nghị Giám đốc bệnh viện trích quỹ hảo tâm giúp đỡ anh tiền ăn, viện phí và hỗ trợ bà mẹ nuôi đã già yếu có cuộc sống khá hơn. Bác sĩ Phan Thanh Huy, Giám đốc bệnh viện cho biết: Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được bệnh viện giúp đỡ qua đề xuất của bộ phận làm CTXH. Thực tế những năm qua, CTXH đã được thực hiện từ lâu với phương châm mỗi cán bộ nhân viên bệnh viện có 2 việc phải làm: chuyên môn và nghề CTXH. Qua hoạt động điều trị, chăm sóc bệnh nhân của đội ngũ bác sỹ, y tá, đặc biệt là những hộ lý, nhiều hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân đã được tìm hiểu cặn kẽ và được trợ giúp kịp thời.
Ngày 14/6/2017, trên cơ sở tổ CTXH trực thuộc Phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện đã thành lập Phòng CTXH. Chỉ với 8 cán bộ nhân viên, song với chuyên môn cao, kỹ năng tốt, họ không những là những người trợ giúp Khoa khám bệnh trong đón tiếp hướng dẫn bệnh nhân, mà còn là nòng cốt khâu nối hoạt động của trên 100 cộng tác viên (CTV) tại các khoa phòng trong hoạt động chuyên môn gắn với các hoạt động xã hội. Qua đó, góp phần tăng sự thân thiện, giảm những xung đột không đáng có giữa bệnh nhân và người nhà của họ đối với thầy thuốc, với bệnh viện.
Cầu nối giữa bệnh viện với xã hội
Thời gian gần đây, Bệnh viện huyện Bắc Sơn đã nhận được nhiều hơn những lời khen từ người dân. Để có được điều đó, ngoài việc nâng cấp trang thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn, phải nói đến sự đóng góp không nhỏ của Phòng CTXH trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để chăm sóc người bệnh. Được thành lập từ tháng 12/2016 với 12 cán bộ nhân viên và mạng lưới công tác viên tại các khoa, song song với việc hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, Phòng CTXH đã tích cực tham mưu với cấp ủy, giám đốc bệnh viện trong việc tăng cường tuyên truyền hình ảnh, huy động nguồn lực xã hội để trợ giúp bệnh nhân. Chị Sầm Thị Hằng, Trưởng phòng CTXH của bệnh viện cho biết: Từ tháng 12/2016 đến nay, phòng đã tham mưu tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động văn nghệ trong bệnh viện, thu hút người dân và các nhà hảo tâm tham gia đóng góp được trên 30 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật. Với số tiền đó, hàng trăm lượt bệnh nhân chạy thận và các khoa khác được trợ giúp. Phòng đã làm nhiệm vụ liên kết các tấm lòng thành lập được một “ngân hàng” máu sống gồm 50 người sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh.
Không chỉ ở Bắc Sơn mà các bệnh viện huyện như: Hữu Lũng, Chi Lăng, Bình Gia, Lộc Bình, Văn Lãng, Tràng Định… đều thành lập tổ CTXH. Đến nay, tổng số nhân viên chuyên trách CTXH tại các BV đã là trên 60 người và có trên 300 CTV tại các khoa, phòng, hình thành một mạng lưới nhân viên CTXH khá rộng và sâu. Điều đáng nói là việc thành lập thêm tổ, phòng CTXH không làm tăng biên chế hay hợp đồng, mà chỉ là sự sắp xếp, điều chuyển hợp lý giữa các khoa, phòng. Bác sĩ Lăng Văn Định, Giám đốc bệnh viện Hữu Lũng nói rằng: Chỉ với 3 người, nhưng hiệu quả hoạt động xã hội ở BV được nâng lên rõ rệt, vì bệnh viện đã có được một đội ngũ CTV nhiệt tình và ngày càng “chuyên nghiệp” hơn cả về chuyên môn và kỹ năng CTXH.
MINH HỒNG
Ý kiến ()